BỆNH VIỆN MỸ ĐỨC
BỆNH VIỆN MỸ ĐỨC

Những điều không mong đợi khi mang thai

Thứ sáu, 25/05/2018, 14:41 GMT+7

NhYng_YiYu_khong_mong_YYi_khi_mang_thai_1

Khi lên kế hoạch có thai, ngoài việc chuẩn bị tinh thần và thể chất, bạn cần trang bị một số kiến thức cơ bản. Và nói thật, bạn cần chuẩn bị tâm lý để xử lý các tình huống không mong muốn xảy ra nữa.

 

Ra huyết – Dọa sẩy thai

Bình tĩnh và hít thở! Những việc cần làm gợi ý cho bạn:

  • Thay đồ sạch, lau rửa sạch, đặt miếng băng mỏng nếu chỉ ra ít huyết hoặc miếng băng dày nếu thấy máu nhiều. Vệ sinh và lót băng ngoài việc giúp bạn sạch sẽ còn giúp bạn bớt cảm giác hoang mang với suy nghĩ “máu đang chảy ồ ạt” và bạn đang nguy kịch.
  • Thông báo cho bác sĩ của bạn.
  • Đến bệnh viện quen thuộc của bạn, hoặc nơi gần nhất nếu thấy máu nhiều.
  • Nếu thấy đau bụng nhiều – đặc biệt đau một bên (phải hay trái), huyết ra ít, nâu đen và cơn đau cứ tăng dần, cảm giác chóng mặt, mệt, khó thở kèm theo, bạn cần đến bệnh viện ngay.

Những thông tin cơ bản về ra huyết đầu thai kỳ:

  • Một tin tốt lành: có gần 1/3 số phụ nữ mang thai ra huyết trong 2 tháng đầu thai kỳ (đôi khi chỉ ít giọt hay nhiều hơn) đều an toàn, mẹ và bé hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì. Một số ít bị ra huyết sau quan hệ tình dục, nhưng cũng có thể tự nhiên ra huyết. Nếu ra huyết sau quan hệ tình dục, bạn cần hạn chế hoặc không giao hợp cho đến khi thai khoảng 12 tuần tuổi.
  • Một số nguyên nhân có thể: phôi làm tổ, bám vào nội mạc tử cung; thay đổi nội tiết tố, viêm nhiễm ở âm đạo – cổ tử cung, polyp cổ tử cung… Một số nguyên nhân nghiêm trọng hơn: chảy máu từ bánh nhau, thai sinh hoá (nghĩa là có thụ tinh thành phôi nhưng trong quá trình làm tổ thì thất bại), doạ sẩy thai hoặc sẩy thai, thai nằm ngoài tử cung.

Khi thấy ra huyết liên tục, nhiều, càng lúc càng tăng, kèm theo đau bụng…bạn không nên chủ quan tự theo dõi. Đây có thể là dấu hiệu của sẩy thai, thai ngoài tử cung, chảy máu từ bánh nhau do vị trí bất thường…

Nếu ra huyết sau té ngã, chấn thương, tai nạn, bạn cần đến bệnh viện ngay tức khắc.

 

Sẩy thai – Sinh non

Sẩy thai, thai lưu, sInh non…là những việc khó chấp nhận cho bất kỳ bà mẹ mang thai nào. Nếu xảy ra, bạn hãy bình tĩnh, nhìn nhận một cách tích cực, rằng quá nửa các trường hợp này là do chính bản thân phôi thai bất thường. Truy tìm nguyên nhân cũng không là điều nhất định phải làm, trừ khi xảy ra lặp lại hơn 2 lần. Bạn không hề có lỗi, và chẳng ai có lỗi. Nếu quá căng thẳng, hãy cứ tâm sự với người bạn thấy tin tưởng. Cho mình chút ít thời gian lấy lại thăng bằng và phục hồi sức khoẻ. Không có bằng chứng nào chứng minh sau sẩy thai, sinh non, thai lưu cần ngừa thai bao lâu (trừ khi bạn phải mổ lấy thai). Nhưng việc trì hoãn mang thai đôi ba tháng để phục hồi thể chất và tinh thần cũng có thể giúp ích cho bạn.

 

Trẻ có nguy cơ cao dị tật bẩm sinh

Các xét nghiệm chẩn đoán trước sinh hiện nay giúp ích rất nhiều trong việc tầm soát và chẩn đoán nguy cơ bất thường ở trẻ. Nếu bạn đã từng mang thai hoặc sinh con bị dị tật bẩm sinh; gia đình bạn hay bạn đời của bạn có người bị dị tật bẩm sinh, bạn mang thai khi hơn 35 tuổi…thì bạn cần phải thực hiện đầy đủ các xét nghiệm tầm soát.

Nếu có kết quả xét nghiệm nào bất thường, bạn cần được tư vấn và giải thích rõ ràng:

  • Khả năng hay tỷ lệ bệnh cao hay thấp.
  • Cần làm gì tiếp theo để tăng khả năng chẩn đoán trẻ mắc bệnh.
  • Ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của trẻ sau này.
  • Có điều trị sau sinh được hay không – chi phí điều trị.
  • Và bất kỳ vấn đề nào bạn chưa hiểu.

Tình huống xấu nhất là không thể tiếp tục giữ thai vì bất thường nặng hay nhiều dị tật kết hợp. Trong lúc này, bạn cần phải thật bình tĩnh. Một số bà mẹ suy nghĩ “ra sao cũng chấp nhận”, nhưng đó là suy nghĩ của bạn. Thực tế là bạn không thể cam kết là sẽ có khả năng chăm sóc trẻ suốt đời, và cũng không công bằng khi thay thế ai đó quyết định sẽ chấp nhận sống một cuộc đời không bình thường. Thế nên, hãy nhìn theo một khía cạnh tích cực khác, rằng phát hiện trẻ dị tật chưa hẳn là việc xấu hoàn toàn. Nên để chồng bạn hay bất kỳ ai đó bạn tin tưởng cùng thảo luận để có quyết định cuối cùng. Và luôn nhớ rằng, việc này không phải lỗi của bạn hay bất kỳ ai.

 

Song thai hay nhiều hơn

Bất ngờ này ít nhiều “vui vẻ” hơn những biến cố kể trên. Tuy nhiên, về mặt sản khoa, đa thai thuộc nhóm thai kỳ nguy cơ, nghĩa là khả năng sinh non, tiền sản giật… cao hơn thai kỳ đơn thai. Để thai kỳ khoẻ mạnh, trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cần khám thai định kỳ đúng lịch. Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết, tư vấn bác sĩ về các phương pháp dự phòng sinh non. Chuẩn bị tinh thần chào đón bé sớm hơn dự sinh bất kỳ luc nào. Bạn cần sinh ở cơ sở y tế có đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng thật uy tín.

 

Bệnh viện Mỹ Đức

https://qik.com.vn/