MẤT NGỦ – NHỮNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE CỦA MẸ BẦU VÀ THAI NHI

Phụ nữ mang thai thường có chất lượng giấc ngủ kém do sự kết hợp của cảm giác khó chịu về thể chất, sự thay đổi nội tiết tố và căng thẳng về cảm xúc. Việc thiếu ngủ không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mẹ bầu mà còn ảnh hưởng đến thai nhi. Vậy mẹ bầu mất ngủ ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi? Các mẹ cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

1. Tại sao giấc ngủ lại quan trọng

Giấc ngủ tốt là một phần cơ bản giúp hồi phục, tái tạo năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể và cải thiện trạng thái tinh thần. Đặc biệt trong thời kỳ mang thai, việc đảm bảo chất lượng giấc ngủ giúp cơ thể mẹ bầu được nghỉ ngơi, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, và góp phần giữ cho thai nhi phát triển khỏe mạnh.

Giấc ngủ còn góp phần kiểm soát cách cơ thể phản ứng với insulin, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.

2. Vì sao khi có thai các mẹ bầu thường hay mất ngủ

Khi có thai sự thay đổi về nội tiết trong cơ thể người mẹ và lo lắng (đặc biệt ở những mẹ mang thai lần đầu) sẽ gây áp lực cho mẹ bầu, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, sự gia tăng của hormone progesterone cũng giúp cho cơ thể của mẹ bầu bị tăng thân nhiệt cũng là nguyên nhân góp phần gây khó ngủ. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như:

  • Tình trạng nôn ói do thai nghén khiến cơ thể bị mất nước, mệt mỏi dễ gây khó ngủ.
  • Ợ nóng, cảm giác đau rát ngực và họng.
  • Lo lắng và suy nghĩ về đứa bé trong bụng.
  • Hay đi tiểu nhiều lần trong đêm.
  • Chuột rút gây ra các cơn đau đột ngột khiến mẹ bầu mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
  • Khó chìm vào giấc ngủ do thai máy nhiều vào ban đêm nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ.
  • Đau lưng, đau chân ở những tháng cuối thai kỳ.

3. Những ảnh hưởng của việc mất ngủ đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

3.1 Ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu

Những đêm mất ngủ kéo dài làm cho tinh thần mẹ bầu kém tỉnh táo, thường gây mệt mỏi, uể ỏi và hay buồn ngủ vào ban ngày.

Ngủ không đủ giấc sẽ làm cho làn da dễ bị lão hóa.

Tình trạng mất ngủ kéo dài làm cho não bộ thiếu oxy và một số chất, dẫn đến dễ mắc các bệnh như đau đầu, tăng huyết áp.

Hay dễ nổi nóng, cáu gắt.

Nếu mẹ bị mất ngủ liên tục trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ không chỉ làm cho huyết áp cao mà còn làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật từ tuần thứ 20 của thai kỳ.

Dễ có nguy cơ sinh non.

Trầm cảm sau sinh.

Việc mất ngủ kéo dài còn làm ảnh hưởng đến chức năng của tim, thận và các cơ quan khác của người mẹ…

3.2 Ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi

Trẻ sinh ra thường hay bị thiếu máu do việc mẹ mất ngủ làm ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn cung cấp máu đến thai nhi.

Chậm phát triển về thể chất lẫn tinh thần nếu trẻ bị sinh non tháng .

Tăng nguy cơ mắc bệnh vàng da, suy giảm thị lực và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng do trẻ bị sinh non tháng.

4. Một số lưu ý giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn

Thiết lập giờ ngủ và tuân thủ ngủ đúng giờ và dậy đúng giờ.

Chọn tư thế nằm thoải mái, tốt nhất là nằm nghiêng trái để giúp máu lưu thông đến tử cung tốt hơn.

Điều chỉnh ánh sáng nơi ngủ dịu dàng.

Nhiệt độ phòng phù hợp (25-28 °C).

Tránh ăn quá no hoặc uống nhiều nước trước khi đi ngủ.

Nên đi vệ sinh trước khi đi ngủ để không phải đi nhiều lần vào ban đêm.

Hạn chế những suy nghĩ làm căng thẳng, lo âu trước khi ngủ.

Thư giãn trước khi đi ngủ: tập yoga, đọc sách, nghe nhạc hay là trò chuyện cùng con trước khi ngủ.

Không sử dụng các loại đồ uống có chất kích thích: cafe, trà, rượu bia.

Ngâm chân vào chậu nước ấm, massage nhẹ nhàng vùng thái dương giúp dễ chìm vào giấc ngủ hơn.

Chế độ dinh dưỡng cũng góp phần làm cải thiện tình trạng mất ngủ như ăn: cá hồi, trứng, chuối, rau chân vịt, đậu xanh, các loại hạt, mật ong…

Tuyệt đối không được sử dụng thuốc ngủ khi không có chỉ định của Bác sĩ

5. Khi nào cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị

Khi cảm nhận cơ thể có bất thường.

Khi tình trạng mất ngủ kéo dài.

Stress, người mệt mỏi, không tập trung

Bủn rủn tay chân.

Ăn uống kém, không có cảm giác ngon miệng.

Có những suy nghĩ tiêu cực từ việc mất ngủ.

Ngủ đủ giấc đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi, trung bình các mẹ bầu cần ngủ khoảng 30 phút vào buổi trưa và 7-8 giờ mỗi đêm. Để có một thai kỳ an vui, ngoài chế độ dinh dưỡng, vận động các mẹ bầu cần phải quan tâm đến giấc ngủ và chất lượng giấc ngủ của mình.

Bệnh viện Mỹ Đức

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *