PHÙ CHÂN KHI MANG THAI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Trong thời gian mang thai, cơ thể của người mẹ có nhiều thay đổi, việc chân của bạn to hơn bình thường là hiện tượng thường gặp. Điều này làm bạn lo lắng không biết chân phù là do tăng cân khi mang thai, hay liên quan đến bệnh lý nào khác?. Sau đây là nguyên nhân làm chân phù khi mang thai và các biện pháp phòng tránh. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

1. Phù chân trong thai kỳ là gì?

Phù chân là hiện tượng khá phổ biến ở phụ nữ mang thai, chiếm từ 65,9% trở lên trong 3 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là vào tháng thứ 8 và thứ 9 của thai kỳ. Phù xảy ra khi chất lỏng tích tụ dưới mô ở các khu vực như chân, mắt cá chân, bàn tay và bàn chân làm cho các vị trí này bị phù to. Bạn có thể dễ bị phù chân hơn vào buổi tối, đặc biệt là sau khi phải đứng cả ngày và thời tiết nóng ẩm làm các mạch máu giãn nở, điều này cho phép chất lỏng trong lòng mạch đi vào các mô gần đó dễ dàng hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng phù chân.

Tình trạng phù chân ở một số sản phụ trở nên nặng hơn trong tuần đầu tiên sau sinh, việc ít vận động khiến cơ thể bạn khó đào thải chất lỏng qua mồ hôi và nước tiểu dẫn đến tình trạng phù chân trở nên nặng nề hơn. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ giảm dần sau sinh một tuần.

2. Nguyên nhân gây ra phù chân?

Nguyên nhân thường gặp nhất gây phù chân ở phụ nữ mang thai là do phù sinh lý:

  • Khi mang thai, sự thay đổi nội tiết tố làm tăng khả năng lưu giữ một số khoáng chất. Trong đó có natri, làm thúc đẩy quá trình giữ nước dẫn đến tích tụ chất lỏng ở chi dưới.
  • Tử cung lớn dần, đè lên các mạch máu chính trong khung chậu làm giảm quá trình lưu thông máu. Điều này có thể cản trở lưu lượng máu đến tim và khiến máu ứ đọng ở chân.

Bên cạnh nguyên nhân phù chân do sinh lý của quá trình mang thai, thì tình trạng phù chân có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm, bao gồm bệnh lý tiền sản giật, huyết khối tĩnh mạch sâu, bệnh cơ tim, viêm mô tế bào, suy giãn tĩnh mạch, …

3. Các biện pháp phòng ngừa và lưu ý

Một số biện pháp đơn giản có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và cũng có thể giúp phòng ngừa phù chân như sau:

  • Tránh đứng hoặc ngồi cùng một tư thế trong thời gian dài. Cố gắng thay đổi tư thế ít nhất một giờ một lần để tăng cường lưu thông máu.
  • Tránh mặc quần áo quá chật quanh eo và chân. Mang giày lớn hơn một cỡ so với cỡ thông thường của bạn.
  • Ngủ nằm nghiêng về bên trái khi bụng to dần để việc lưu thông máu về tim được thuận lợi.
  • Nâng cao bàn chân và chân của bạn bất cứ khi nào có thể, sẽ hỗ trợ cho máu và chất lỏng lưu thông dễ dàng hơn.
  • Ăn nhiều thực phẩm có kali như: chuối và bơ, để loại bỏ natri và tăng sản xuất nước tiểu.
  • Uống nhiều nước: nên uống từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày trong thời kỳ mang thai, giúp duy trì mức độ hydrat hóa thích hợp trong cơ thể, làm giảm tình trạng giữ nước và phù. Bên cạnh đó, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn, giúp loại bỏ chất lỏng và natri dư thừa ra khỏi cơ thể.
  • Hạn chế thực phẩm có nhiều muối như: thực phẩmóng gói sẵn, thức ăn nhanh và khoai tây chiên.
  • Tập thể dục thường xuyên: đi bộ hoặc bơi lội là những lựa chọn tốt vì chúng thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Việc đứng hoặc đi bộ trong nước có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn, giảm cảm giác nặng nề.
  • Mang vớ y khoa để thúc đẩy lưu thông máu tốt hơn và ngăn các mạch máu giãn nở, tránh tình trạng thoát dịch ra khỏi lòng mạch làm giảm tình trạng phù chân.
  • Mát xa chân giúp thư giãn các cơ, cải thiện tuần hoàn.

4. Khi nào cần khám ngay

Hầu hết, tình trạng phù chân ở phụ nữ mang thai là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, bạn nên đi khám ​​bác sĩ ngay trong những trường hợp sau:

  • Phù đột ngột ở mặt, tay hoặc chân của bạn
  • Phù ngày càng nhiều và làm bạn thấy khó chịu, lo lắng.
  • Tình trạng phù chân làm bạn khó khăn trong việc đi lại, vận động
  • Phù ở nhiều vị trí kèm theo các triệu chứng khác: đau đầu, chóng mặt, nôn, tiểu ít,…

Phù chân là hiện tượng thường gặp khi mang thai, mặc dù không thoải mái nhưng đó không phải là điều đáng lo ngại và thường sẽ hết sau khi sinh. Tuy nhiên, vẫn có một số bệnh lý trong thai kỳ liên quan đến tình trạng phù chân. Vì vậy, hãy báo cho Bác sĩ biết khi bạn có dấu hiệu phù chân để bác sĩ thăm khám và tư vấn, và nhớ tuân thủ lịch khám thai định kỳ nhé.

Bệnh viện Mỹ Đức 

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *