CÁCH GIẢM ĐAU LƯNG TRONG THAI KỲ

Hầu hết phụ nữ khi mang thai đều trải qua cảm giác đau lưng, trong đó một số ít chị em lại đau lưng quá mức chịu đựng, vậy làm sao để giảm đau lưng trong thai kỳ và nhận biết yếu tố bất thường để đến gặp bác sĩ? Xin mời các mẹ bầu cùng tìm hiểu nội dung sau

1. Đau lưng trong thai kỳ là gì?

Đau lưng trong thai kỳ là một triệu chứng phổ biến xảy ra ở 20–90% thai kỳ. Cơn đau xuất hiện ở vùng lưng dưới gần mông trong quá trình mang thai, có thể lan ra đùi sau bên, đầu gối và bắp chân nhưng không đến bàn chân.

 

2. Nguyên nhân gây đau lưng trong thai kỳ là gì?

Đau lưng là triệu chứng thường gặp trong thai kỳ. Nguyên nhân bao gồm:

  • Căng các cơ vùng lưng: khi thai lớn dần, tử cung bạn to dần và nặng hơn, phần trước cơ thể nặng hơn và bạn có khuynh hướng ngả người ra phía trước khi đi, đứng. Để giữ cơ thể thăng bằng, bạn thay đổi tư thế làm các nhóm cơ lưng bị căng ra. Sự căng giãn quá mức gây nên cảm giác đau, mỏi, cứng cơ.
  • Cơ vùng bụng yếu: những cơ vùng bụng cũng có vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ, khi có thai, cơ ở bụng bị dãn ra và có thể yếu hơn, sự thay đổi này cũng góp phần làm cho bạn đau lưng khi vận động.
  • Các nội tiết tố khi có thai: để chuẩn bị cho việc sinh nở, nội tiết tố làm giãn các dây chằng khớp vùng chậu để khớp linh hoạt hơn, đồng thời gây đau do giãn khớp.

Trong những nguyên nhân thường gặp kể trên thì căng dãn các cơ vùng lưng là nguyên nhân chủ yếu.

3. Các triệu chứng đau lưng trong thai kỳ?

Đau lưng trong thời kỳ mang thai có thể có các triệu chứng sau:

  • Đau âm ỉ, đau nhói hoặc đau rát ở lưng dưới.
  • Đau một bên lưng dưới.
  • Bàn chân rũ: Đây là tình trạng không thể nhấc phần trước của bàn chân lên khi đi bộ.
  • Đau tương tự như đau dây thần kinh tọa lan xuống đùi và chân: Các triệu chứng này phổ biến hơn nếu dây thần kinh thắt lưng dưới bị chèn ép.

4. Làm gì để giảm đau lưng trong thai kỳ?

Một vài gợi ý sau có thể giúp bạn ngăn ngừa và cải thiện tình trạng đau lưng:

  • Chú ý đến vị trí của bạn khi ngồi, ngủ và nâng đồ đạc. Nếu bạn cần đứng trong một thời gian dài, hãy đặt một chân lên ghế đẩu hoặc hộp để giảm căng thẳng cho lưng.
  • Ngồi trên ghế có hỗ trợ lưng tốt hoặc để một chiếc gối nhỏ phía sau lưng của bạn.
  • Nếu bạn phải nhấc một cái gì đó, ngồi xổm xuống, uốn cong đầu gối và giữ lưng thẳng. Đừng uốn cong ở thắt lưng để nhặt đồ.
  • Tư thế ngủ nghiêng là tốt nhất trong thai kỳ, đặc biệt là giai đoạn thai lớn dần. Giữ một hoặc cả hai đầu gối cong, đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối và một cái khác dưới bụng của bạn.
  • Tìm kiếm một bộ quần áo hỗ trợ bụng . Có thể là đai đỡ bụng bà bầu, một số quần bà bầu đi kèm với một dây thun rộng vừa vặn dưới đường cong của bụng.
  • Mang giày gót thấp, không phải giày đế bằng, chẳng hạn như giày đi bộ hoặc giày thể thao. Tránh mang giày cao gót.
  • Đi bộ khá an toàn đối với phụ nữ mang thai và rất tốt cho lưng.
  • Tập thể dục dưới nước có thể đặc biệt hữu ích cho đau lưng. Nước hỗ trợ trọng lượng của bạn để bạn tránh chấn thương và căng cơ. Nhiều phụ nữ bơi cho đến khi kết thúc thai kỳ.
  • Chườm ấm giúp lưu thông máu, thư giãn các cơ, giúp giảm đau cơ hiệu quả. Bạn có thể sử dụng một miếng đệm sưởi ấm hoặc chai nước ấm cho cơ lưng khi bị đau. Miếng đệm sưởi ấm nên được cài đặt nhiệt độ thấp nhất có thể. Bọc miếng đệm sưởi ấm hoặc chai nước ấm của bạn trong một chiếc khăn để giúp ngăn ngừa bỏng, thời gian chườm không quá 20 phút đến 30 phút mỗi lần.
  • Chườm lạnh làm tê vùng tổn thương, giảm phản ứng viêm, giảm phù nề nên cũng có thể giúp giảm đau tại chỗ.

 5. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu cơn đau kéo dài hơn 2 tuần hoặc bạn bị đau lưng dữ dội, hãy liên hệ với cơ sở y tế để bác sĩ khám kiểm tra. Đau lưng có thể là dấu hiệu của một số biến chứng thai kỳ. Ví dụ, đau lưng có thể là triệu chứng của dọa sinh non, hoặc cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và theo dõi nếu bạn bị đau lưng và kèm theo triệu chứng khác như: sốt, cảm thấy nóng rát khi đi tiểu, chảy máu âm đạo,…..

Một khi các nguyên nhân gây nguy hiểm cho thai kỳ được loại trừ, bác sĩ sẽ tư vấn thêm cho bạn các biện pháp phù hợp để giảm đau lưng phù hợp với từng thai kỳ của mỗi mẹ bầu.

Đau lưng khi mang thai là triệu chứng thường gặp, phần lớn nguyên nhân do sinh lý của cơ thể. Nếu mẹ bầu đã áp dụng các biện pháp trên mà cơn đau không giảm hoặc triệu chứng đau lưng ngày càng tăng thì nên đi khám bác sĩ để kiểm tra. Chúc bạn có một thai kỳ an vui.

Bệnh viện Mỹ Đức

 

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *