TÁO BÓN KHI MANG THAI CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BỆNH TRĨ HAY KHÔNG?

Táo bón là tình trạng hay gặp phải ở các chị bầu và gây ra cảm giác không thoải mái. Đồng thời, nếu táo bón kéo dài có thể tạo điều kiện cho bệnh trĩ phát triển hoặc nặng nề hơn. Vậy làm thế nào để phòng ngừa táo bón và bệnh trĩ khi mang thai, các dấu hiệu nào để mẹ bầu tự theo dõi và phát hiện sớm, phòng tránh những biến chứng của bệnh trĩ? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

1. Táo bón khi mang thai là gì?

Táo bón là tình trạng bài tiết phân không thường xuyên < 2 lần/tuần hoặc quá 3 ngày không đi đại tiện; hoặc đi đại tiện khó khăn, phân cứng, từng viên nhỏ, có cảm giác đau khi đi đại tiện.

Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, cộng thêm với chế độ ăn uống và vận động lúc có thai cũng làm cho các mẹ bầu thường gặp triệu chứng táo bón hơn.

Táo bón kéo dài sẽ làm cho các tĩnh mạch ở hậu môn giãn ra và sưng lên do phân cứng và phải rặn trong lúc đi đại tiện. Điều này gây ra tình trạng sưng viêm, đau ở khu vực hậu môn, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của các chị bầu, đây cũng là các dấu hiệu của bệnh trĩ.


2. Nguyên nhân gây táo bón

Chị bầu có thể bị táo bón do các nguyên nhân sau:

  • Bỏ qua cảm giác muốn đi đại tiện hoặc do bệnh lý: tắc ruột, viêm ruột thừa…
  • Rối loạn ăn uống: uống không đủ nước, không có chế độ ăn uống lành mạnh (không ăn đủ chất xơ…).
  • Sự thay đổi nội tiết tố: nồng độ Progesterone tăng lên làm giảm hoạt động của các cơ trơn, nên đại tràng cũng giảm hoạt động
  • Tử cung ngày càng lớn dần sẽ chèn ép ruột, khiến khó đi đại tiện hơn.
  • Sử dụng một số loại thuốc trong thai kỳ: thuốc sắt, thuốc chống buồn nôn,..có thể gây táo bón.
  • Ngồi nhiều, ít vận động,
  • Đi đại tiện khó, phải rặn lâu

3. Triệu chứng

Triệu chứng của táo bón

Ít hoặc không đi tiêu

Khó đi đại tiện

Phân cứng hoặc nhỏ

Đầy bụng

Đau khi đại tiện và phân khó ra ngoài.

Triệu chứng của trĩ

Đi cầu ra máu đỏ tươi thành giọt hay thành tia

Cảm giác vướng, cộm hoặc đau rát ở hậu môn

Nhìn bên ngoài có thể thấy búi trĩ sa ra ngoài hậu môn hoặc khi chị bầu rặn thấy búi trĩ lòi ra ngoài.

4. Cách phòng tránh táo bón và trĩ

Nên thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, chẳng hạn như:

  • Nên ăn nhiều các thức ăn chứa nhiều chất xơ (>=400g rau/ngày). Đối với chị bầu, chất xơ giúp giảm táo bón, làm nhẹ các dấu hiệu nghén, giúp thúc đẩy nhu động ruột và giúp ăn ngon miệng hơn. Chất xơ có nhiều trong rau, hoa quả, ngũ cốc, khoai củ…
  • Bổ sung thêm các thực phẩm có men vi sinh như sữa chua giúp tiêu hoá dễ dàng.
  • Hạn chế các thức ăn loại kích thích như rượu mạnh, trà đặc, cà phê, hẹ, tỏi, ớt, ít ăn các thức ăn tanh mặn vị đậm. Hạn chế các loại thịt chế biến sẵn, đồ chiên rán. Có thể ăn thịt nạc như thịt gia cầm và các sản phẩm từ sữa ít béo. Hãy ghi nhật ký thực phẩm và ghi lại bất kỳ loại thực phẩm nào khiến các chị bầu táo bón.
  • Tập thể dục vừa sức các ngày trong tuần. Khi các chị vận động thì cơ thể và các cơ trong ruột cũng hoạt động mạnh hơn.
  • Nên uống đủ nước 2 lít/ngày, giúp làm mềm phân.
  • Hãy lắng nghe cơ thể và chú ý đến cảm giác muốn đi đại tiện. Nên tập thói quen đi đại tiện vào một khoảng thời gian cố định trong ngày.
  • Vệ sinh cơ quan sinh dục đúng cách: luôn lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh. Thực hiện nhẹ nhàng và dùng một mảnh giấy vệ sinh ẩm để tránh bị kích ứng.

5. Khi nào cần đi khám bác sĩ

Táo bón kéo dài từ 2 tuần trở lên

Chị bầu chưa bao giờ bị táo bón trước đây hoặc bị đau bụng, thấy máu trong phân, sụt cân.

Chị bầu bị đau dữ dội khi đi tiêu.

Chảy máu thường xuyên sau khi đi đại tiện

Các búi trĩ to lên nhiều, cảm giác đau, ngứa khó chịu vùng hậu môn.

Táo bón là một trong những vấn đề về tiêu hóa thường gặp. Khi không được điều trị, táo bón có thể dẫn đến các biến chứng khó chịu như bệnh trĩ. Các chị bầu có thể phòng ngừa và điều trị táo bón bằng những thay đổi trong chế độ ăn uống và tập thể dục. Việc điều trị táo bón và trĩ bằng thuốc, hay các phương pháp điều trị khác cần theo chỉ định của bác sĩ.

 

Bệnh viện Mỹ Đức

 

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *