NHỮNG THAY ĐỔI CƠ THỂ CỦA MẸ BẦU QUA TỪNG GIAI ĐOẠN

Các chị em phụ nữ khi mang thai, đặc biệt là những chị em mang thai lần đầu, sẽ không khỏi lo lắng khi cơ thể có những thay đổi về ngoại hình bên ngoài, lẫn cảm xúc bên trong. Vậy cơ thể người phụ nữ có những thay đổi gì khi mang thai, chúng ta cùng nhau tìm hiểu để chuẩn bị tốt cho hành trình này nhé.

1. Những thay đổi của cơ thể mẹ bầu qua từng giai đoạn

Cơ thể của mẹ bầu trải qua những thay đổi về thể chất lẫn tinh thần khác nhau tùy vào từng giai đoạn của thai kỳ. Những thay đổi này rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi và từng bước chuẩn bị cho việc sinh nở.

1.1 Trong ba tháng đầu của thai kỳ (tam cá nguyệt 1):

Ngực có thể trở nên to hơn và căng, núm vú có thể nhạy cảm hơn, đau khi chạm vào.

Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn và nôn, có thể kèm theo triệu chứng ợ nóng, khó tiêu

Có thể có thèm ăn một số loại thức ăn nhất định

Đi tiểu nhiều lần hơn.

1.2 Trong ba tháng giữa của thai kỳ (tam cá nguyệt 2):

Cảm thấy thèm ăn hơn.

Buồn nôn và mệt mỏi có thể giảm bớt.

Bụng bắt đầu to hơn, da bụng căng ra, bạn sẽ cảm thấy căng và ngứa vùng da bụng. Bạn có thể nhìn thấy các vết rạn da và cảm nhận được thai nhi cử động.

Bụng của bạn có thể đau ở một bên này hoặc bên kia do các dây chằng hỗ trợ tử cung bị căng ra.

Vùng da ở mặt, nách, cổ có thể bị thâm nâu

Quầng vú sẫm màu hơn

Bàn chân và mắt cá chân có thể bị sưng.

1.3 Trong ba tháng cuối của thai kỳ (tam cá nguyệt 3):

Bạn cảm nhận rõ những chuyển động của thai nhi

Bạn có thể khó thở khi nằm ngửa do bụng lớn dần

Đi tiểu thường xuyên hơn

Có thể thấy sữa non (một loại sữa non màu vàng, loãng) chảy ra từ núm vú

Xuất hiện những cơn co thắt (co thắt bụng hoặc đau bụng). Những cơn co thắt này có thể báo hiệu chuyển dạ giả hoặc chuyển dạ thật.

Hình 1: Những vết rạn da thường xuất hiện vào ba tháng giữa và cuối thai kỳ

2. Thay đổi trong hệ thống cơ thể

Hệ thống nội tiết: nội tiết thay đổi điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống cơ thể. Nhau thai hoạt động như một tuyến nội tiết tạm thời trong thai kỳ, nó sản xuất ra lượng lớn hóc môn estrogen và progesterone để duy trì và kiểm soát hoạt động của tử cung. Ngoài ra nhau thai sinh ra hóc môn kích thích lên tuyến giáp gây tăng tuần hoàn, và tuyến giáp to ra vừa phải. Ảnh hưởng của hormone tuyến giáp có xu hướng gia tăng và có thể biểu hiện giống như triệu chứng cường tuyến giáp, với nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, mồ hôi quá nhiều và tình trạng bất ổn về cảm xúc.

Hệ thống tiêu hóa: khi tử cung to lên chèn ép lên dạ dày, ruột các cơ quan lân cận khác gây ra tình trạng táo bón, ợ nóng và tăng nguy cơ trào ngược

Hệ tim mạch: khi mang thai toàn bộ hệ thống tim mạch được điều chỉnh lại, thể tích máu tăng lên rất nhiều, nhiều mạch máu phát triển hơn nhằm đáp ứng nhu cầu oxy và dinh dưỡng cho thai nhi dẫn đến tim hoạt động nhiều hơn, nhịp tim tăng lên. Ngoài ra, khi tư thế nằm ngửa tử cung to ra chèn ép lên tĩnh mạch chủ dưới gây giảm lưu lượng máu về tim, có thể làm giảm lưu lượng máu tử cung và do đó giảm tưới máu nhau thai, điều này có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Vì vậy, các mẹ bầu nên nằm nghiêng trái.

Hệ hô hấp: thể tích khí lưu thông tăng lên để bù đắp cho sự gia tăng tiêu thụ oxy của mẹ cần thiết cho nhu cầu của tử cung, nhau thai và thai nhi.

Hệ bài tiết: tử cung to ra gây chèn bàng quang, niệu đạo và cơ sàn chậu, dẫn đến đi tiểu thường xuyên, thậm chí rò nước tiểu khi hắt hơi hoặc khi ho. Thận cũng tăng hoạt động để đáp ứng nhu cầu của mẹ và thai

Hệ xương khớp: Dưới tác động của hóc môn, các dây chằng vùng chậu giãn ra, xương mu mở rộng và khớp xương cùng lỏng lẻo. Những thay đổi này tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chuyển dạ, nhưng cũng là nguyên nhân gây đau lưng và đau dây chằng

3. Thay đổi về ngoại hình và cảm xúc

Trong ba tháng đầu, những thay đổi nội tiết trong cơ thể khiến mẹ bầu dễ nhạy cảm và dễ xúc động hơn. Đặc biệt, tình trạng ốm nghén cũng làm cho mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.

Trong ba tháng giữa chu kỳ, mẹ bầu đỡ mệt hơn khi tình trạng nghén đã giảm, hạnh phúc hơn khi bắt đầu cảm nhận được những cử động thai, được nghe tim thai qua máy nghe tim thai cầm tay. Mong chờ nhiều hơn mỗi khi có lịch siêu âm để được nhìn mặt bé qua siêu âm. Nhưng cũng lo lắng vì xuất hiện những vết rạn ở bụng, đùi, ngực, những vết đốm nâu sắc tố xuất hiện ở mặt, nách, cổ.

Những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu cảm thấy nặng nề do tử cung tăng lên và cân nặng của mẹ cũng tăng lên, thường trong thai kỳ mẹ tăng từ 10 – 17 kg. Những lo lắng về cuộc sinh sắp tới, vóc dáng, nhan sắc cũng khiến nhiều chị em phát sinh tâm lý buồn chán, cô đơn. Bên cạnh đó các mẹ bầu cũng không khỏi nhiều háo hức mong chờ chào đón em bé ra đời.

Hình 2: tình trạng ốm nghén nhiều khiến bản thân mệt mỏi, khó chịu

4. Những yếu tố cần lưu ý trong quá trình mang thai

Dù những thay đổi trong cơ thể mẹ lúc mang thai là điều hoàn toàn bình thường, nhưng bạn cần thăm khám bác sĩ khi có những dấu hiệu sau:

  • Tình trạng ốm nghén quá nặng khiến cơ thể kiệt sức, không ăn uống được, mệt, ngất xỉu
  • Đau bụng không giảm, ngày càng tăng thêm,
  • Ra huyết âm đạo
  • Bạn cảm thấy mệt, khó thở nhiều, hoặc cảm thấy lo lắng, bất an
  • Tiểu lắt nhắt, rát buốt, tiểu ra máu
  • Ở những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu cảm thấy đau bụng từng cơn kèm theo cứng bụng, ra nước ối trong âm đạo

Những thay đổi bên ngoài và bên trong cơ thể lúc mang thai sẽ trở về bình thường sau khi sinh xong. Hy vọng những thông tin cung cấp ở trên giúp các chị em chuẩn bị tốt cho hành trình mang thai, đồng thời giúp cho các anh chồng thêm yêu thương, đồng cảm và cùng chia sẻ  với vợ của mình nhé!

Bệnh viện Mỹ Đức

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *