QUÁ TRÌNH THỤ THAI – MỘT SỐ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT CÓ THAI

Mang thai được xem là một hành trình dài của người mẹ, 9 tháng 10 ngày cho sự phát triển của con trong bụng cũng là giai đoạn thử thách nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Để hành trình ấy đạt được kết quả như mong đợi, người mẹ cần phải chuẩn bị cho mình sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất. Bài viết nhằm cung cấp thêm thông tin về quá trình hình thành của thai nhi, dấu hiệu nhận biết mẹ đã mang thai, chế độ dinh dưỡng vận động và nghỉ ngơi trong thời kỳ mang thai. Mời ba mẹ cùng tìm hiểu thông tin dưới đây nhé!

1. Quá trình thụ thai diễn ra như thế nào?

Đối với phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều (28-30 ngày), mỗi chu kỳ kinh một trong hai buồng trứng sẽ giải phóng một trứng. Trứng được di chuyển vào ống dẫn trứng, nếu giao hợp trong thời điểm này, hàng triệu tinh trùng được giải phóng vào âm đạo sẽ bơi vào tử cung, trên đường di chuyển những tinh trùng không khỏe sẽ tự đầu hàng và chỉ còn một tinh trùng khỏe mạnh nhất bơi đến gặp trứng ở đoạn 1/3 ngoài của vòi trứng và bắt đầu cho quá trình thụ tinh. Thời gian để trứng có thể thụ tinh với tinh trùng là khoảng 12-24 giờ sau rụng trứng, những tinh trùng khỏe mạnh có thể sống được khoảng 4-5 ngày trong cơ thể của người vợ sau khi người chồng xuất tinh. Sau khi tinh trùng gặp trứng để thụ tinh tạo thành phôi thai thì cần khoảng 4-5 ngày để phôi di chuyển vào lòng tử cung. Tại đây phôi sẽ bám vào niêm mạc tử cung để nhận dinh dưỡng từ người mẹ và bắt đầu quá trình làm tổ. Khi đó hành trình mang thai của người mẹ được bắt đầu.

 

 

 

 

 

 

 

2. Các dấu hiệu nhận biết bạn đã có thai

Mất kinh, mệt mỏi không rõ lý do và những thay đổi như: hay chóng mặt, xúc động, buồn nôn,… là những dấu hiệu sớm để nhận biết mình có thể đã có thai. Chị em có thể thử que xem que có lên 2 vạch hay không. Sau đó nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám để xác định rõ tình trạng có thai cũng như được tư vấn các thông tin về chăm sóc sức khỏe cả mẹ và thai nhi trong suốt thời kỳ mang thai.

Sau đây là một số dấu hiệu nhận biết bạn có thể có thai:

Trễ kinh: là tình trạng lớp nội mạc tử cung không bị bong ra để hành kinh. Nhờ có sự giải phóng hormon progesterone và estrogen sau khi thụ thai mà lớp nội mạc tử cung dày lên và là nơi để phôi thai đã được thụ tinh làm tổ.

Mệt mỏi, cáu gắt: do sự gia tăng hormone Progesterone trong cơ thể nên khi mới có thai mẹ bầu thường hay mệt mỏi, dễ cáu gắt. Ngoài ra, do nhu cầu cơ thể cần vận chuyển chất dinh dưỡng đến cho thai nên lượng máu của mẹ tăng lên, vì thế tim phải làm việc nhiều hơn để đáp ứng với sự tăng cung lượng máu, làm thai phụ có cảm giác mệt hơn.

Nhiệt độ của cơ thể cao hơn ngày thường: Khi mang thai, do hoạt động của hormon Progesteron tăng mạnh nên nhiệt độ cơ thể sẽ tăng.

Sự thay đổi của ngực: do sự gia tăng các hormon trong cơ thể sẽ làm mẹ bầu có cảm giác căng ngực, đầu vú dễ đau hơn khi chạm vào, quầng vú cũng sẫm màu hơn.

Tăng tiết dịch âm đạo: sau khi thụ thai, lượng dịch tiết ra từ âm đạo nhiều hơn, chúng thường có màu trắng trong, không nặng mùi và không gây ngứa.

Thay đổi vị giác (nghén): các mẹ bầu thường có cảm giác bụng khó chịu, buồn nôn lúc mới ngủ dậy hay khi ngửi mùi thức ăn, có thể thèm ăn đồ chua, ngọt…

Ngoài ra, bà bầu còn có thể thấy buồn ngủ hoặc bị táo bón, da cũng bị ảnh hưởng như da khô, dễ nổi mụn, nám da… do mất cân bằng nội tiết tố trong thời gian mang thai.

3. Những điều mẹ cần làm khi mang thai

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất.

Bổ sung thực phẩm chứa nhiều Protein: thịt, cá, trứng, sữa…

Ăn nhiều rau xanh, trái cây để phòng tránh táo bón.

Bổ sung các Vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể theo chỉ định của Bác sĩ.

Uống nước > 2 lít/ ngày (nước ấm, nước dừa, nước ép trái cây, sữa…)

Ăn nhạt (hạn chế mắm, muối)

Không ăn thực phẩm chưa nấu chín, đồ ăn sống hay thức ăn cũ.

Hạn chế các gia vị cay, chua…

Hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh.

Hạn chế các chất kích thích như: café, rượu bia…

Vận động nhẹ nhàng, tránh làm các việc nặng.

Tập thể dục thể thao vừa sức như: bơi lội, đi bộ hoặc tập yoga…

Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm.

Không tiếp xúc với các hóa chất độc hại

Quá trình thụ thai diễn ra rất gây cấn và thú vị. Từ sau khi thụ thai, cơ thể người phụ nữ sẽ có những thay đổi bên trong và biểu hiện ra bên ngoài. Vì vậy, hãy lưu ý các dấu hiệu nhận biết bạn có thể mang thai để có thể theo dõi và chăm sóc thai kỳ một cách tốt nhất. Những tháng đầu tiên của thai kỳ là thời điểm quan trọng cho sự hình thành và phát triển của thai nhi. Chúc chị em sớm có tin vui và chào đón bé yêu khỏe mạnh.

 

 

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *