Sinh non

Friday, 25/01/2019, 10:23 GMT+7

Sinh non là gì?

Sinh non nghĩa là em bé sinh ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ.

Có nhiều mức độ sinh non, được phân chia dựa trên tuổi thai:

  • Sinh cực non (<28 tuần)
  • Sinh rất non (28 tuần đến <32 tuần)
  • Sinh non (32 tuần đến <37 tuần).

Khoảng 10% trường hợp mang thai có nguy cơ sinh non. Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sơ sinh và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ sinh non có nguy cơ chậm phát triển, khiếm thị, khiếm thính...

 

Những trường hợp dễ bị sinh non:

Trong đa số trường hợp, khó xác định được chính xác nguyên nhân gây sinh non. Nếu có một trong các yếu tố sau đây, bạn sẽ dễ bị sinh non:

  • Hút thuốc, quá trẻ, quá gầy, lao động quá sức, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu vitamin C, thiếu acid folic, sinh quá dày (<6 tháng)...
  • Mắc các bệnh lý nội khoa: tiểu đường, cao huyết áp...
  • Tiền sử sinh non
  • Từng có dọa sẩy thai (hay động thai) trong 3 tháng đầu thai kỳ
  • Nhiễm trùng: viêm âm đạo, viêm tiết niệu, viêm nha chu...
  • Bất thường cổ tử cung: đã khoét chóp cổ tử cung, cổ tử cung ngắn, hở...
  • Tử cung có hình dạng bất thường
  • Đa thai (nhiều hơn 1 thai)
  • Thai chậm tăng trưởng hoặc suy dinh dưỡng trong tử cung
  • Vỡ ối non, nhiễm trùng ối
  • Đa ối (nhiều nước ối so với bình thường) hoặc thiểu ối (rất ít nước ối)
  • Nhau tiền đạo hoặc nhau bong non.

 

Những vấn đề thường gặp ở trẻ sinh non tháng:

Do cơ thể chưa phát triển, hoạt động chưa hoàn chỉnh, trẻ có thể có nhiều vấn đề sức khỏe ngay khi sinh và sau này.

Các vấn đề lúc sinh bao gồm:

  • Khó thở, suy hô hấp
  • Tim chưa phát triển hoàn chỉnh
  • Xuất huyết trong não
  • Nhiệt độ cơ thể không ổn định
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng huyết
  • Vàng da, thiếu máu
  • Hạ đường huyết
  • Miễn dịch yếu.
  • Tử vong

Các vấn đề có thể xuất hiện về sau:

  • Bại não
  • Chậm phát triển về thể chất và tâm thần
  • Thị lực giảm
  • Thính lực giảm
  • Răng không phát triển tốt
  • Một số bệnh mãn tính.

Do đó, trẻ sinh non cần phải được chăm sóc và theo dõi từ đầu tại các đơn vị chăm sóc sơ sinh đặc biệt từ lúc mới sinh để phát hiện và điều trị sớm các biến chứng.

Về lâu dài, trẻ sinh non cần được theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, hỗ trợ và điều trị các biến chứng lâu dài, nếu có.

 

Bạn cần làm gì để dự phòng sinh non?

Khám và điều trị bệnh răng miệng, bệnh đường tiết niệu, nếu có, trước và trong khi mang thai.

Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm và điều trị.

Siêu âm đo chiều dài cổ tử cung vào tuần 16 đến 22 của thai kỳ.

Khám thai định kỳ đúng hẹn để phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp dự phòng các trường hợp nguy cơ sinh non (khâu cổ tử cung, đặt vòng nâng cổ tử cung, đặt progesterone âm đạo).

Tiêm thuốc để hỗ trợ trưởng thành phổi thai nhi khi có chỉ định của bác sĩ.

Sử dụng các thuốc cắt cơn co tử cung khi có chỉ định.

Dù là thai kỳ sau hỗ trợ sinh sản hay thai tự nhiên, nên giảm thai khi có nhiều hơn 2 thai. Trong trường hợp đã có tiền căn sinh non, chỉ nên chuyển 1 phôi vào buồng tử cung để giảm nguy cơ sinh non do đa thai.

 

Bệnh viện Mỹ Đức

https://qik.com.vn/