Khám sức khoẻ trước mang thai là bước đầu tiên trong việc lập kế hoạch mang thai. Để chuẩn bị cho một thai kỳ an toàn và một em bé khoẻ mạnh, việc khám sức khỏe trước khi mang thai là cần thiết và mang lại nhiều lợi ích, mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
1. Tầm quan trọng của việc khám sức khoẻ trước khi mang thai
Phụ nữ chuẩn bị mang thai và chồng cần kiểm tra sức khoẻ để đánh giá các yếu tố nguy cơ, tình trạng bệnh lý hiện mắc, khả năng sinh sản, các bệnh di truyền hay bệnh lây truyền qua đường tình dục. Một số bệnh lý nền có thể ảnh hưởng đến thai kỳ và cần được kiểm soát tốt trước khi mang thai như: hen suyễn, đái tháo đường, cao huyết áp….
Cung cấp các thông tin cần thiết gồm: chủng ngừa, đánh giá về miễn dịch, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc di truyền, tư vấn cách điều trị bệnh lý sẵn có làm giảm biến chứng liên quan đến thai kỳ.
Phát hiện sớm các bất thường của người bố, người mẹ có thể lây truyền cho thai, ảnh hưởng đến quá trình thụ thai, sự phát triển của trẻ trong bụng mẹ và sau sanh.
2. Ai nên khám sức khoẻ trước khi mang thai
Theo khuyến cáo hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản và làm mẹ an toàn cũng như khuyến cáo từ tổ chức kiểm soát và phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, những phụ nữ chuẩn bị có thai cần khám sức khoẻ trước mang thai để đảm bảo có một sức khỏe tốt trước khi mang thai. Và thời gian cần được khám và chuẩn bị ít nhất 3 tháng trước khi mang thai.
Nhiều người có quan niệm cho rằng việc chăm sóc sức khoẻ trước mang thai chỉ dành cho phụ nữ. Điều này chưa đúng vì nam giới cũng cần kiểm tra sức khoẻ và chuẩn bị sức khoẻ trước mang thai. Việc chuẩn bị này là bước đệm quan trọng cho sự ra đời của một em bé khoẻ mạnh.
3. Các bước chuẩn bị trước khi đi khám sức khỏe
Các cặp vợ chồng cần tìm hiểu và liên hệ với các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe sinh sản uy tín.
Cần nhịn ăn để thực hiện xét nghiệm đường
Tránh dùng các chất kích thích trước ngày đi khám.
4. Các xét nghiệm cần thiết trong khám sức khoẻ trước khi mang thai
4.1 Đối với người vợ
Tổng phân tích tế bào máu, Nhóm máu
Đông máu
Glucose máu,
Chức năng gan, thận
Ion đồ
Chức năng tuyến giáp
Miễn dịch: HIV, viêm gan, Giang mai
Rubella
Test nhanh phát hiện kháng thể kháng lao
Dự trữ buồng trứng với phụ nữ trên 35 tuổi
Xét nghiệm Pap, HPV tầm soát ung thư cổ tử cung
Các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục đặc biệt nhiễm chlamydia,…
Siêu âm bụng tổng quát, siêu âm phụ khoa, siêu âm nhũ
Đo điện tim (ECG)
Tổng phân tích nước tiểu
4.2 Đối với người chồng
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, nhóm máu
Miễn dịch: HIV, viêm gan, Giang mai
Test nhanh phát hiện kháng thể kháng lao
Xét nghiệm tinh dịch đồ
5. Lối sống và dinh dưỡng trước khi mang thai
5.1 Lối sống của phụ nữ
Chế độ ăn uống và lối sống hằng ngày của người mẹ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của con cái. Dinh dưỡng là một khía cạnh quan trọng của sức khoẻ trước, trong khi mang thai và sau sanh. Đối với người mẹ cần chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn uống đầy đủ chất và bổ sung thêm vitamin, Acid folic cần cho sự phát triển của thai nhi.
Bổ sung sắt và acid folic trước mang thai ít nhất 3 tháng có thể làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh của thai nhi.
Uống 400-800 mcg acid folic mỗi ngày khi có ý định mang thai từ 3 tháng trước khi mang thai, làm giảm nguy cơ bất thường não và cột sống cho thai nhi.
Sắt: cần cho sự sống vì tạo ra hồng cầu để vận chuyển oxy đến các bộ phận cơ thể tham gia quá trình chuyển hoá chất. Ở phụ nữ mang thai cần bổ sung 27 mg sắt một ngày. Thiếu máu thiếu sắt thường dẫn đến suy dinh dưỡng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, sanh non, băng huyết sau sanh.
Canxi rất cần cho sự phát triển của xương trong thai kỳ và suốt cuộc đời người phụ nữ. Có thể bổ sung từ thức ăn: cá, tôm, sữa, phô mai,… hay uống bổ sung canxi.
Đồng thời, các vitamin và khoáng chất khác như iốt, kẽm, vitamin A, B, C,…đều rất cần thiết cho quá trình thụ thai và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.
Ngoài ra, phụ nữ trước khi có thai cần được tẩy giun bằng albendazol từ 6 tháng đến 1 năm 1 lần, thực hiện vệ sinh tay hằng ngày, vệ sinh môi trường nhằm giảm khả năng tái nhiễm giun trở lại.
Cần có một lối sống lành mạnh, tránh dùng quá nhiều chất kích thích, rượu, bia thuốc lá, cafe, các chất gây nghiện ảnh hưởng đến thai kỳ và khả năng làm tổ của thai. Trạng thái tinh thần thoải mái tránh các lo lắng, căng thẳng.
Duy trì cân nặng hợp lý, vì phụ nữ sẽ có nhiều nguy cơ bệnh lý tim mạch, tiểu đường type 2 và một số bệnh lý ung thư (ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, ung thư đại tràng). Ngược lại, phụ nữ quá nhẹ cân cũng có nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy cần duy trì cân nặng và thói quen tập thể dục đều đặn và chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng hợp lý.
5.2 Lối sống của người chồng
Người chồng có thể cải thiện sức khỏe sinh sản bằng cách không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia hoặc các chất gây nghiện, chọn lựa thực phẩm có lợi cho sức khoẻ và điều chỉnh lối sống và làm việc nhằm giảm căng thẳng. Các nghiên cứu cho thấy nếu chồng uống rượu, bia nhiều, hút thuốc và dùng chất gây nghiện có thể ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tinh trùng. Nếu không thể bỏ thuốc lá, thì chỉ nên hút ở nơi riêng biệt để tránh ảnh hưởng bất lợi do việc hút thuốc thụ động cho vợ. Nếu làm việc trong môi trường có hoá chất hoặc chất độc cần cẩn thận để không lây nhiễm cho vợ.
Duy trì hoạt động thể chất và tập luyện thể dục.
Kiểm soát cân nặng: ăn uống đúng cách và giữ cân nặng phù hợp.
Tình dục an toàn và áp dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
6. Lập kế hoạch và theo dõi sau khi khám sức khoẻ trước mang thai
Sau khi hai vợ chồng đã được bác sĩ kiểm tra sức khoẻ thì cần điều trị các bệnh lý nếu có và tham khảo ý kiến của bác sĩ về thời điểm mang thai.
Những thuốc tiêm ngừa cần thiết trước khi mang thai sẽ có những khuyến cáo thời gian an toàn để mang thai sau tiêm ngừa. Vì vậy, bạn cần lưu ý kỹ nếu có tiêm ngừa nhé.
Nếu sức khoẻ bình thường thì cần lên kế hoạch mang thai phù hợp với điều kiện của hai vợ chồng để chuẩn bị tốt nhất về thể chất và tinh thần trước khi mang thai.
Việc khám sức khoẻ trước mang thai đóng một vai trò quan trọng và là bước đệm cho một thai kỳ an toàn và sự ra đời của một em bé khoẻ mạnh. Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng, thay đổi những thói quen ảnh hưởng không tốt đến việc mang thai, và quản lý sức khoẻ trước mang thai một cách toàn diện là cách chuẩn bị tốt nhất cho hành trình mang thai của bạn.