ỐM NGHÉN TRONG THAI KỲ

Ốm nghén là tình trạng phổ biến trong thai kỳ khiến các chị bầu khổ sở, mất ăn, mất ngủ. Vậy ốm nghén thai kỳ là gì? Làm thế nào để cơ thể chị bầu quen dần với ốm nghén, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

1. Ốm nghén thai kỳ là gì?

Ốm nghén là biểu hiện thường gặp của thai kỳ, trong đó cảm giác buồn nôn và nôn xảy ra phổ biến với khoảng 80% phụ nữ mang thai. Các triệu chứng của ốm nghén có gặp bất cứ lúc nào vào ban ngày hoặc ban đêm.

Các triệu chứng phổ biến của ốm nghén

Buồn nôn, có hoặc không kèm theo nôn: thường xảy ra khi ngửi một số mùi hoặc ăn một số loại thực phẩm. Các triệu chứng thường bắt đầu khi mới có thai (từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 7 của thai kỳ) và giảm dần sau 3 tháng đầu (tuần thứ 12) của thai kỳ.

Mệt mỏi, uể oải: Cảm giác mệt mỏi hoặc thậm chí kiệt sức khi mang thai là điều bình thường, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Sự thay đổi nội tiết vào thời điểm này có thể khiến chị bầu cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn và dễ xúc động.

Nhạy cảm với các mùi: Các nghiên cứu cho thấy khoảng 2/3 phụ nữ mang thai nhạy cảm hơn với mùi. Các chuyên gia cho rằng nhạy cảm hơn với mùi trong thai kỳ có thể có tác dụng bảo vệ, cảnh báo các chị bầu về những thức ăn có khả năng ảnh hưởng đến thai trước khi ăn. Một số mùi có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ốm nghén như: mùi khói thuốc lá, nước hoa quá nồng, mùi rượu và cà phê.

Thay đổi khẩu vị, chán ăn: thay đổi khẩu vị khi mang thai có thể là do hormone thai kỳ gây ra. Nó có thể khiến chị bầu ghét các món ăn mà trước đây các chị yêu thích. Đôi khi các chị bầu có thể có vị chua hoặc vị kim loại trong miệng ngay cả khi không ăn gì. Việc thay đổi khẩu vị, kèm theo những cơn nôn kéo dài và lặp lại là nguyên nhân khiến các chị bầu chán ăn.

Ngoài ra, ốm nghén còn kèm theo các triệu chứng như: đau nhức và nhạy cảm ở vùng ngực, dễ mệt mỏi, cần đi vệ sinh thường xuyên hơn, đau nhức cơ, mất thăng bằng, lo lắng…

 

2. Nguyên nhân gây ốm nghén

Hiện tại, nguyên nhân gây ra các triệu chứng ốm nghén trong thai kỳ vẫn chưa được biết rõ, nhưng có liên quan đến việc tăng nồng độ gonadotrophin màng đệm (hCG – Human Chorionic Gonadotrophin) và tăng nhu cầu trao đổi chất.

Các yếu tố có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ốm nghén, bao gồm:

  • Song thai
  • Mệt mỏi quá mức
  • Căng thẳng
  • Di chuyển nhiều

3. Các triệu chứng và mức độ của ốm nghén có thể khác nhau và thay đổi giữa các lần mang thai

  • Các biện pháp giảm triệu chứng ốm nghén
  • Uống đủ nước: uống một vài ngụm nước khi thức dậy, uống nước mỗi lần lượng ít nhưng thường xuyên trong ngày.
  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày: ăn ít và thường xuyên (mỗi 2-3 giờ ăn một lần), luôn có thức ăn trong bao tử (dạ dày) cả ngày lẫn đêm là cách phòng ngừa tốt nhất chống lại cảm giác buồn nôn.
  • Lựa chọn thực phẩm phù hợp: bữa ăn nên đa dạng nhóm thực phẩm, chế biến các món ăn dễ tiêu hoá. Nên tránh thức ăn cay, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ: nghỉ ngơi đầy đủ rất quan trọng với các chị bầu, dành thời gian nghỉ ngơi vào buổi trưa. Giấc ngủ là cách tuyệt vời để thoát khỏi tình trạng ốm nghén và cơ thể chị bầu cần điều đó! Hãy thử đeo mặt nạ ngủ hoặc đeo một cặp kính râm tối màu để cản ánh sáng chói nhé!
  • Ngửi mùi hương tươi mát: một số mùi hương như mùi cam quýt, thảo mộc có thể giúp giảm triệu chứng ốm nghén.
  • Điều chỉnh màn hình: điều chỉnh vị trí màn hình máy vi tính, máy tính bảng hoặc điện thoại cho phù hợp; điều chỉnh cỡ chữ, độ sáng, màu sắc hình nền trên màn hình sao cho dễ nhìn hơn để giảm mỏi mắt và mệt mỏi.
  • Đánh lạc hướng bản thân: đọc sách, giải câu đố hoặc đi dạo,… có thể giúp các chị bầu tạm quên triệu chứng ốm nghén.
  • Túi dự trữ một số thứ cần thiết khi đi làm: nên mang theo một ít đồ ăn vặt để nhai khi bụng đói, một ít gừng (dạng trà hoặc dạng nén) giúp giảm buồn nôn, bao nilong nhỏ để phòng nôn ói.

4. Khi nào cần đi khám bác sĩ

  • Thai phụ bị nôn hơn 4 lần/ngày
  • Không thể ăn uống được trong 24 giờ
  • Chóng mặt, ngất xỉu
  • Thai phụ bị ốm nghén nặng: sụt cân khoảng 5% cân nặng so với trước mang thai
  • Thai phụ bị mất nước
  • Hoặc khi có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào làm bạn lo lắng hoặc không thoải mái.

Ốm nghén có thể làm đảo ngược mọi cảm xúc, thói quen của mẹ bầu. Có nhiều cách khác nhau để giúp mẹ bầu thích nghi với tình trạng ốm nghén như những thay đổi nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, chế độ ăn. Trong hành trình mang thai người thân, gia đình, bác sĩ, nữ hộ sinh sẽ luôn bên cạnh để đồng hành cùng các chị bầu để giúp các chị vượt qua hành trình đầy gian nan nhưng cũng không kém phần hạnh phúc này.

Bệnh viện Mỹ Đức

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *