SINH MỔ VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Trải qua hành trình mang thai 9 tháng 10 ngày, chắc hẳn người mẹ nào cũng mong muốn con mình được chào đời an toàn và khỏe mạnh. Sinh thường là lựa chọn tối ưu, tuy nhiên có một số trường hợp cần cân nhắc sinh mổ do nhiều yếu tố từ phía mẹ và bé. Vậy sinh mổ là gì và những điều gì cần lưu ý khi sinh mổ? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Sinh mổ là gì?

Sinh mổ là cách sinh bằng phẫu thuật nhằm lấy thai và nhau thai ra khỏi tử cung qua đường mổ trên thành bụng và tử cung. Sau đó bác sĩ sẽ khâu lại vết rạch từ tử cung ra da.

Bác sĩ Mỹ Ý và ekip vừa thực hiện xong một ca sinh mổ

2. Khi nào cần sinh mổ?

2.1 Chỉ định từ phía mẹ

Mẹ có bất thường ở đường sinh dục dưới: chít hẹp âm đạo, tiền sử mổ dò hậu môn, trực tràng, âm đạo, tiền sử sanh có tổn thương tầng sinh môn độ III, IV

Mẹ có khối u tiền đạo (khối u nằm trên đường thai đi ra): nhau tiền đạo, u xơ cơ tử cung tiền đạo, ..

Khung chậu hẹp, dị dạng khung chậu

Có sẹo mổ ở thân tử cung hay sẹo mổ lấy thai £18 tháng

Mẹ có dị dạng tử cung như: tử cung đôi, tử cung hai sừng,…

Mẹ có bệnh lây nhiễm (HIV, Herpes simplex,…)

Mẹ mắc các bệnh lý toàn thân, nếu sinh thường sẽ tăng nguy cơ ảnh hưởng tính mạng người mẹ (bệnh tim nặng, tăng huyết áp, tiền sản giật nặng, sản giật…)

2.2 Chỉ định từ phía con

Ngôi bất thường: ngôi mông, ngôi ngang, ngôi trán, …

Thai có dị tật bẩm sinh (song thai dính, não úng thủy, …)

Thai bị suy dinh dưỡng/chậm tăng trưởng trong tử cung nặng

Đa thai: song thai, tam thai,…

Em bé to cân nặng lớn hơn 4000g

Bất thường trong chuyển dạ: chuyển dạ ngưng tiến triển, thai suy, cơn co tử cung bất thường

3. Quá trình sinh mổ 

Trước khi sinh mổ, bạn sẽ được bác sĩ sản khoa tư vấn các thông tin về cuộc mổ của bạn (lý do, nguy cơ, thời gian mổ?,…). Các bạn nữ hộ sinh sẽ hướng dẫn bạn thực hiện đầy đủ các xét nghiệm và cận lâm sàng liên quan, làm các thủ tục giấy tờ, hướng dẫn bạn vệ sinh thân thể và nhịn ăn uống để chuẩn bị cho cuộc mổ được an toàn. Bạn sẽ được gặp bác sĩ gây mê để khám tiền mê trước mổ, tư vấn, trao đổi với bạn về lợi ích và rủi ro của phương pháp gây mê, gây tê và đề xuất lựa chọn tốt nhất cho bạn.
Sau khi các thủ tục hoàn tất, bạn sẽ được chuyển đến khu vực tiền phẫu. Tại đây bạn sẽ được kiểm tra và truyền dịch. Khi tất cả đã sẵn sàng, bạn sẽ được chuyển vào phòng mổ, BS gây mê hồi sức sẽ tiến hành gây tê hoặc gây mê để giảm đau cho bạn trong quá trình mổ lấy thai. Bạn được làm vệ sinh vùng bụng và đặt một ống thông tiểu, bạn sẽ được truyền thuốc kháng sinh ngăn ngừa nhiễm trùng. Bác sĩ và ekip phẫu thuật sẽ thực hiện mổ lấy thai để lấy em bé của bạn ra, Vết mổ lấy thai có thể theo chiều dọc bụng hay chiều ngang ngay trên vệ (xương mu). Em bé của bạn sẽ được da kề da với mẹ (nếu sức khỏe của cả hai mẹ con đều ổn định) trong lúc BS khâu lại vết mổ từ trong tử cung ra ngoài da.

Sau mổ bạn sẽ được theo dõi tại phòng hồi sức ít nhất là 6 tiếng, nếu sức khỏe ổn định sẽ được chuyển về phòng nội trú.

4. Ưu và nhược điểm của sinh mổ

Việc sinh mổ giúp bạn có thể tránh được quá trình chuyển dạ. Giúp bạn kiểm soát toàn bộ quá trình sinh nở tốt hơn, Nhưng bên cạnh đó mổ lấy thai cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ:

  • Tử cung, vết mổ có thể bị nhiễm trùng.
  • Nếu không thể kiểm soát được tình trạng chảy máu bạn bị mất nhiều máu có thể cần phải truyền máu, cắt bỏ tử cung…
  • Ruột hoặc bàng quang có thể bị tổn thương.
  • Bạn có thể bị dị ứng với thuốc (thuốc gây mê, thuốc giảm đau,…)
  • Thuyên tắc tĩnh mạch, huyết khối
  • Sinh mổ cũng làm tăng nguy cơ bao gồm các vấn đề về nhau thai bám và xâm lấn sẹo mổ cũ, thai bám sẹo mổ cũ, vỡ tử cung… trong lần mang thai kế tiếp

Do những rủi ro này, sinh mổ thường chỉ được thực hiện khi lợi ích của phẫu thuật lớn hơn rủi ro. Hãy trao đổi với bác sĩ sản phụ khoa về những rủi ro và lợi ích cho tình trạng của bạn.

5. Chăm sóc sau sinh mổ

Nếu không có bất thường sau mổ lấy thai thì trung bình mẹ và bé sẽ được xuất viện sau 3-4 ngày. Trong quá trình nằm viện bạn sẽ được theo dõi sát bởi nhân viên y tế. Và khi về nhà thì bạn cần phải tuân theo hướng dẫn của nhân viên y tế trước khi xuất viện và chú ý những điều sau để nhanh phục hồi:

  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều rau và uống nhiều nước, tránh kiêng quá mức
  • Vận động đi lại nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc
  • Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn
  • Nên tắm rửa bình thường và lau khô vết mổ sau tắm để tránh nhiễm trùng. Đối với vết mổ may bằng chỉ không tiêu thì bạn cần phải ra trạm y tế gần nhà để cắt chỉ theo lịch.
  • Băng vệ sinh cần được thay mỗi 4 đến 6 tiếng và vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ sau khi đi vệ sinh
  • Theo dõi sản dịch: sản dịch màu đỏ sậm và ít dần
  • Uống thuốc giảm đau nếu còn đau vết mổ nhiều
  • Tái khám theo hẹn của bác sĩ
  • Quan hệ vợ chồng khi bạn sẵn sàng và cần ngừa thai ít nhất 12 tháng

Hãy gọi ngay cho bác sĩ sản phụ khoa và đi khám ngay nếu bạn có các dấu hiệu sau:

  • Sốt
  • Ớn lạnh, tay chân lạnh, vã mồ hôi
  • Hụt hơi, hoa mắt, chóng mặt,..
  • Vết mổ sưng nóng đỏ đau , rỉ dịch
  • Ra huyết âm đạo bất thường
  • Đau khi đi tiểu, són tiểu
  • Hoặc bất cứ dấu hiệu nào làm bạn cảm thấy lo lắng

Tóm lại, sanh thường hay sanh mổ là quyết định từ bác sĩ sản khoa và thai phụ sau khi cân nhắc các yếu tố lợi ích và nguy cơ để đưa ra phương pháp sinh phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Mong là với những thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn tự tin trước quá trình sinh mổ.

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *