SỰ THAY ĐỔI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI TRONG BỤNG MẸ

Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, cả mẹ và bé sẽ có rất nhiều sự thay đổi. Từ khi chỉ là một hạt đậu bé nhỏ, em bé của mẹ theo thời gian sẽ từ từ phát triển thành hình hài con người. Mời các bạn hãy cùng tìm hiểu quá trình thay đổi và phát triển ấy diễn ra như thế nào để có thể chuẩn bị tốt hơn cho việc chào đón con yêu chào đời.

1. Giai đoạn hình thành và phát triển ban đầu (Tuần 1-8)

Khi không thấy kinh nguyệt xuất hiện như dự kiến, mẹ hãy nghĩ đến việc mình đã mang thai. Lúc này nếu bạn có thai thì thai nhi đã được hơn 4 tuần, có thể nhiều thai phụ thắc mắc tại sao lại lớn hơn so với ngày đậu thai đến 2 tuần? Vì cách tính ngày dự sinh là tính từ ngày bắt đầu của kỳ kinh cuối cùng, không phải tính từ ngày giao hợp thụ thai. Cách tính này phù hợp với những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt ổn định, đều đặn. Nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều thì cần tính tuổi thai theo siêu âm để đảm bảo tính chính xác.

Thụ tinh, sự kết hợp của một trứng và một tinh trùng thành một tế bào duy nhất, là bước đầu tiên trong một chuỗi sự kiện phức tạp để hình thành nên bào thai. Thụ tinh diễn ra trong ống dẫn trứng. Trong vài ngày tiếp theo, tế bào đơn phân chia thành nhiều tế bào và di chuyển qua ống dẫn trứng đến niêm mạc tử cung. Tại đó, phôi làm tổ và bắt đầu phát triển. Trong 8 tuần sau khi thụ tinh, phôi thai dài khoảng 1,5cm.

Đến lúc này thì não, cột sống, các cơ ở mắt, mũi, miệng của thai nhi đã bắt đầu hình thành, mô tim cũng bắt đầu phát triển. Các ngón tay và ngón chân có màng nhô ra từ bàn tay và bàn chân đang phát triển. Phổi bắt đầu hình thành các ống dẫn khí. Tai trong bắt đầu phát triển.

2. Giai đoạn phát triển bắt đầu có dấu hiệu cụ thể (Tuần 9-12)

Từ 9 tuần sau khi thụ tinh cho đến khi sinh được gọi là thai nhi. Mắt của bé đã phát triển nhưng mí mắt vẫn còn đóng lại. “Cái đuôi” của phôi thai đã mất đi khiến bé bắt đầu trông giống hình dạng của con người hơn. Những nội tạng quan trọng như thận, ruột, não và gan – đang bắt đầu hoạt động. Móng tay và móng chân nhỏ xíu của bé cũng dần hình thành. Bào thai gần như đã thành hình khá đầy đủ. Xương của bé bắt đầu cứng lại, cơ quan sinh dục bên ngoài cũng đang phát triển. Vào thời điểm này thai nhi có thể biết nấc nhưng còn quá sớm để mẹ cảm nhận được điều đó. Tuy nhiên mẹ có thể nghe thấy nhịp tim của bé khi siêu âm, em bé lúc này chỉ dài hơn 5cm, nặng 14gr.

Ở tuần thứ 11 – 12, bào thai gần như đã thành hình khá đầy đủ

3. Giai đoạn phát triển trong 3 tháng giữa thai kỳ

Sự phát triển các cơ quan của thai nhi ở 3 tháng tiếp theo trong thai kỳ nổi bật ở những cử động lần đầu tiên bố mẹ cảm nhận được. Bên cạnh đó, thính giác, vị giác, thị giác và những phản xạ của thai nhi cũng không ngừng được cải thiện trong bụng mẹ.

Thận của bé đang sản xuất nước tiểu và sẽ bài tiết vào trong nước ối. Nét mặt của thai nhi có thể thay đổi theo cảm xúc, nhiều bé sớm biết mút lấy ngón tay cái. Ngoài ra, em bé có thể cảm nhận thấy ánh sáng chiếu vào từ bên ngoài tử cung của mẹ mặc dù mí mắt của bé lúc này vẫn còn đóng. Từ thời điểm này cho đến tuần thứ 20 của thai kỳ, giới tính của bé có thể được phát hiện trước thông qua siêu âm hoặc làm một số xét nghiệm cụ thể.

Thai nhi có thể nghe được nhịp tim của mẹ và cả những âm thanh phát ra từ bên ngoài, chẳng hạn như giọng nói của bố. Da của bé khá nhăn nheo và được bao phủ bởi một lớp sáp bảo vệ. Thai nhi có số đo khoảng 15cm từ đầu đến chân. Bé bắt đầu có những cảm nhận về sự vận động của mẹ. Não của bé cũng đang phát triển rất nhanh.

Phổi của bé vẫn đang phát triển nhưng vẫn chưa thể hoạt động đầy đủ chức năng. Trong vài tuần tới, bé sẽ có những hoạt động sinh lý như ngủ và thức dậy đều đặn; mở và nhắm mắt; cũng như thực hiện động tác mút ngón tay để sẵn sàng bú sữa mẹ khi vừa chào đời.

4. Giai đoạn phát triển trong 3 tháng cuối thai kỳ

Phổi và não là hai bộ phận trưởng thành nhiều nhất trong sự phát triển các cơ quan của thai nhi ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3. Ngoài vô số tế bào hình thành trong hệ thần kinh, một lớp chất béo cũng tích tụ khắp cơ thể bé có tác dụng giữ ấm và khiến bé trông mũm mĩm hơn. Trong giai đoạn này thì các mẹ cùng tìm hiểu cụ thể sự thay đổi vượt bậc của bé qua từng tuần nhé:

Tuần thứ 28: Thai nhi nặng khoảng 1kg và dài tầm 38cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Bé đã mọc lông mi và thị lực đang được cải thiện. Hàng tỷ tế bào thần kinh liên tục phát triển trong não của bé, thậm chí xuất hiện cả những giấc mơ trong chu kỳ ngủ.

Tuần thứ 32: Từ đầu đến gót chân em bé đã dài gần 43cm và nặng khoảng 1,7kg. Những chiếc móng tay và móng chân nhỏ nhắn cũng dần mọc ra. Sự phát triển các cơ quan của thai nhi cũng như toàn bộ cơ thể bắt đầu đầy đặn hơn để chuẩn bị cho ngày chào đời.

Tuần thứ 34: Phổi và hệ thần kinh trung ương của bé đang tiếp tục trưởng thành hơn. Làn da thai nhi lúc này cũng trở nên mềm mại và mịn màng, cơ thể ngày càng căng tròn và mũm mĩm với chiều dài gần 46cm.

Tuần thứ 37: Nếu em bé ra đời ở giai đoạn này vẫn được xem là sinh sớm. Mặc dù trẻ sinh non 37 tuần vẫn có khả năng phát triển tốt, nhưng sẽ là lý tưởng nhất nếu bé ở lại trong bụng mẹ thêm vài tuần nữa. Đây là khoảng thời gian cần thiết cho não và phổi trưởng thành hoàn toàn.

Tuần thứ 39-40: Em bé hiện tại đã được tính là đủ tháng và sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Chiều dài trung bình khoảng 51cm.

Hy vọng các thông tin trong bài viết này sẽ giúp cho các mẹ bầu có thêm kiến thức về sự phát triển của con mình, để có thể lắng nghe và đồng hành cùng bé trong suốt thai kỳ. Chúc chị em có một thai kỳ khỏe mạnh và tự tin chờ đón bé yêu của mình chào đời nhé!

 

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *