TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC XÉT NGHIỆM TẦM SOÁT TRƯỚC KHI MANG THAI

Hành trang quan trọng nhất khi chuẩn bị làm mẹ là bạn phải có một sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất. Vậy làm thế nào để biết mình có sức khỏe tốt và sẵn sàng mang thai? Hãy cùng tìm hiểu về các xét nghiệm tầm soát trước khi mang thai để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn nhé.

1. Tại sao chúng ta cần thực hiện xét nghiệm tầm soát trước mang thai?

Khám kiểm tra và làm xét nghiệm trước khi mang thai giúp bạn có thể chủ động phát hiện sớm một số bệnh hoặc nguy cơ mắc bệnh để có thể phòng ngừa, hoặc điều trị kịp thời và hiệu quả. Trong một số trường hợp, bạn có thể phòng tránh được bệnh lây truyền từ mẹ sang con, dự phòng các dị tật bẩm sinh của con trong tương lai. Bên cạnh đó, một số bạn có thể hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân gặp khó khăn trong việc có thai để có những chuẩn bị trước về sức khỏe, tinh thần và tài chính cho hành trình tìm con.

2. Các xét nghiệm trước mang thai là gì?

  • Xét nghiệm công thức máu: cho bạn biết có mắc các bệnh về máu như: thiếu máu, bất thường tế bào máu, bệnh thiếu máu tán huyết thalassemia một bệnh di truyền do đột biến gen.
  • Xét nghiệm nhóm máu: cho bạn biết mình thuộc nhóm máu gì, nếu nhóm máu hiếm thì bạn sẽ được dự phòng và theo dõi trong thai thai kỳ.
  • Xét nghiệm sinh hóa: đánh giá được chức năng thận, chức năng gan….
  • Xét nghiệm đường huyết: để biết có mắc bệnh tiểu đường hay không, nếu bạn được chẩn đoán bị tiểu đường thì sẽ được khám chuyên khoa và điều trị kịp thời.
  • Xét nghiệm tuyến giáp: giúp phát hiện sớm các bất thường của tuyến giáp (tuyến giáp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển hệ thần kinh trung ương của thai nhi).
  • Xét nghiệm các bệnh lây truyền: HIV, lậu, giang mai, viêm gan siêu vi B, các bệnh này có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con nên cần tầm soát để dự phòng tốt nhất trước khi mang thai.
  • Xét nghiệm tìm kháng thể miễn dịch của bạn với một số loại virus, vi khuẩn như Rubella, Toxoplasma. Trong giai đoạn sớm của thai kỳ, nếu mẹ bầu nhiễm Rubella có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai, vì vậy khi xét nghiệm tầm soát nếu chưa có kháng thể thì nên tiêm ngừa Rubella trước khi mang thai.
  • Xét nghiệm nước tiểu: để tầm soát một số bệnh lý liên quan đến thận, đái tháo đường, viêm đường tiết niệu…

Ngoài ra, còn một số cận lâm sàng cũng cần thiết để tầm soát sức khoẻ trước mang thai như siêu âm, tầm soát ung thư cổ tử cung (Pap, HPV).

Tuy nhiên, các xét nghiệm và cận lâm sàng khác có thể nhiều hơn hay ít hơn tùy vào sức khoẻ của mỗi người, bạn sẽ được bác sĩ thăm khám và tư vấn trước khi lựa chọn xét nghiệm và chỉ định phù hợp.

3. Thời điểm xét nghiệm tầm soát trước khi mang thai

Ngay từ khi có ý định có em bé, các cặp vợ chồng nên đi khám tầm soát càng sớm càng tốt, thời điểm khám tốt nhất là khoảng từ 3 đến 6 tháng trước khi có ý định mang thai, để bạn có kế hoạch chủ động và chuẩn bị tốt hơn trước mang thai.

4. Lưu ý khi thực hiện các xét nghiệm trước khi mang thai

Khi đi khám tầm soát và làm xét nghiệm trước khi mang thai, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nên nhịn ăn để làm xét nghiệm
  • Đi khám khi đã sạch kinh để bác sĩ kiểm tra phụ khoa
  • Chuẩn bị tinh thần, tâm lý thoải mái, sẵn sàng.
  • Hãy bình tĩnh và lắng nghe những lời khuyên của bác sĩ.
  • Chọn cơ sở y tế uy tín chất lượng..

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc khám và thực hiện các xét nghiệm tầm soát trước khi mang thai. Hãy trang bị thêm cho mình thật nhiều kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho hành trình làm mẹ.

Bệnh viện Mỹ Đức

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *