BMI (Body Mass Index) hay chỉ số khối cơ thể, là cách nhận định thể trọng của một người. BMI có thể đánh giá tương đối về lượng chất béo trong cơ thể và cân nặng của bạn. Việc dư hoặc thiếu cân và chất béo trong cơ thể không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới việc mang thai của các chị em. Nếu bạn đang chuẩn bị mang thai và lo lắng liệu cân nặng hiện tại hoặc BMI hiện tại có đang ở mức phù hợp để mang thai hay không thì hãy tham khảo bài viết này để có câu trả lời cho bản thân nhé.
1. Vai trò của cân nặng và BMI trước mang thai
BMI không phải là cách hoàn hảo để đánh giá thể trọng vì BMI có thể bị ảnh hưởng do thai kỳ, tỷ lệ cơ/ mỡ, hoặc bệnh lý. BMI càng cao thì nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến thừa cân, béo phì càng tăng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng Cholesterol, bệnh lý về gan, khớp, …
Ở phụ nữ, nhẹ cân và béo phì đều có thể dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt và làm chậm quá trình thụ thai. Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, BMI và lượng mỡ trong cơ thể là yếu tố có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. BMI càng cao thì lượng chất béo dư thừa trong cơ thể càng nhiều.
Đối với những phụ nữ đang điều trị hỗ trợ sinh sản, béo phì làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị. Ngoài ra, dự trữ buồng trứng của phụ nữ thường giảm khi BMI tăng. Điển hình, ở những phụ nữ trong độ tuổi 20–30, BMI tăng làm ảnh hưởng đến số lượng noãn thu được, noãn trưởng thành, trứng thụ tinh và chất lượng phôi. Chất lượng phôi ở nhóm phụ nữ thừa cân là 79,7%, giảm so với chất lượng phôi ở nhóm phụ nữ có cân nặng bình thường (85,4%).
2. Cân nặng và chỉ số BMI hợp lý trước khi mang thai
BMI được tính toán dựa vào cân nặng so với chiều cao. Công thức tính:
BMI = Cân nặng (kg)/ Chiều cao2 (m)
Theo phân loại của Hiệp hội đái tháo đường các nước châu Á (IDI & WPRO), chỉ số BMI của người châu Á được chia thành 4 mức độ:
- Nhẹ cân: BMI dưới 18,5.
- Cân nặng bình thường: BMI từ 18,5 – 22,9.
- Thừa cân: BMI từ 23 – 24,9.
- Béo phì: BMI từ 25 trở lên.
- Trong đó, BMI lý tưởng để mang thai là từ 18,5 – 24,9.
Không có khoảng cân nặng lý tưởng chung cho tất cả mọi người, dựa vào công thức tính BMI, bạn có thể thấy rằng khoảng cân nặng lý tưởng thay đổi phụ thuộc vào chiều cao của mỗi người.
Ví dụ:
Chiều cao 1,6m, khoảng cân nặng lý tưởng là 47,4 – 63,7 kg.
Chiều cao 1,55m, khoảng cân nặng lý tưởng là 44,4 kg – 59.8 kg
Vì vậy, trước khi bắt đầu hành trình điều chỉnh cân nặng, hãy sử dụng công thức BMI để tính toán khoảng cân nặng phù hợp cho bản thân. Nhưng cần lưu ý là việc tăng cân hoặc giảm cân quá nhanh hoặc quá mức đều không tốt cho sức khỏe của bạn.
3. Những nguy cơ của việc mang thai khi BMI chưa phù hợp
Những nguy cơ của việc mang thai khi BMI chưa phù hợp thường được kể đến là sẩy thai, thai lưu và các biến chứng trong thai kỳ (đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật,..)
Thừa cân, béo phì (theo BMI) trước khi mang thai là một yếu tố làm tăng nguy cơ gặp các tình trạng trên. Các nhà nghiên cứu đã thống kê được tỷ lệ có đái tháo đường thai kỳ ở những phụ nữ thừa cân tăng gấp đôi so với những phụ nữ có BMI bình thường và tăng hơn gấp 3 lần so với những phụ nữ nhẹ cân.
Không chỉ riêng những phụ nữ có BMI cao, các tình trạng trên cũng xuất hiện nhiều hơn ở những phụ nữ nhóm nhẹ cân (BMI < 18) trước khi mang thai. Ví dụ như ở những phụ nữ nhẹ cân tỷ lệ sảy thai liên tiếp là 75%, tăng gấp hơn 1,7 lần so với những phụ nữ có BMI bình thường (43%).
BMI trước khi mang thai có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng cân trong thai kỳ. Những phụ nữ thừa cân và béo phì trước khi mang thai thường có mức tăng cân trong thai kỳ vượt quá mức được khuyến nghị. Việc này có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng trong thai kỳ và ảnh hưởng đến cả những lần mang thai sau.
4. Lời khuyên để đạt được cân nặng và chỉ số BMI hợp lý trước khi mang thai
Nếu bạn có chỉ số BMI cao, hãy đưa chỉ số này về mức phù hợp trước khi mang thai để giúp tăng khả năng thụ thai và giảm nguy cơ mắc các biến chứng của thai kỳ.
Để đạt được cân nặng và BMI hợp lý trước khi mang thai, bạn cần:
Lựa chọn thực phẩm lành mạnh, ăn đủ các nhóm chất và hạn chế thức ăn chế biến sẵn.
Duy trì luyện tập thể dục thể thao thường xuyên 4-5 ngày/ tuần, trong 45-60 phút/ ngày đối với các hoạt động thể chất vừa phải (đi bộ nhanh, đạp xe đạp, tập tạ …) hoặc 30 phút/ ngày đối với các hoạt động thể chất cường độ cao (chạy bộ, bơi lội, …).
Không nên ăn kiêng khắc nghiệt, bỏ bữa hoặc đột nhiên tập thể dục nhiều trong thời gian ngắn, việc này không chỉ làm cơ thể bạn trở nên căng thẳng và mệt mỏi mà còn làm ảnh hưởng đến hiệu quả giảm cân.
Hãy tìm hiểu và xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh với khẩu phần ăn phù hợp và tập luyện thể dục thường xuyên là những cách để bạn có thể đạt được cân nặng lý tưởng. Nên thực hiện từng bước nhỏ và cố gắng duy trì trong thời gian dài.
Đối với phụ nữ có BMI cao thì việc giảm cân là không dễ và đôi khi có thể cảm thấy như một nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng đừng nản lòng, giảm một lượng nhỏ (5-10%) cân nặng sẽ có lợi ích đáng kể cho sức khỏe và tăng cơ hội mang thai.
Đối với một số trường hợp, bạn cần được thăm khám và tư vấn dinh dưỡng với các Bác sĩ chuyên khoa nội tiết để có lộ trình giảm cân phù hợp, đôi khi sẽ cần kết hợp với dùng thuốc để đạt hiệu quả tối ưu.
BMI và cân nặng là những yếu tố luôn được chị em phụ nữ quan tâm. Việc kiểm soát cân nặng ở mức phù hợp là một trong những yếu tố giúp bạn tăng khả năng thụ thai và có một thai kỳ khỏe mạnh. Hãy kiên trì và nỗ lực vượt qua những rào cản để có thể đạt được kết quả tốt nhất.