BỆNH VIỆN MỸ ĐỨC
BỆNH VIỆN MỸ ĐỨC

Hội chứng Buồng trứng đa nang

Thứ sáu, 28/05/2021, 11:39 GMT+7

Buồng trứng đa nang là gì?

Dễ lắm, “đa” là nhiều – nên buồng trứng đa nang tức là buồng trứng có nhiều nang.

Nhưng sự đời không đơn giản là vậy đâu – thực tế nó phức tạp hơn ngàn lần.

Buồng trứng đa nang gọi đúng phải là Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome). Nếu gõ “buồng trứng đa nang” trên Google, bạn có khoảng 553,000 kết quả trong 0,4 giây. Còn y văn chính thống có đâu đó tầm 10,000 bài viết, nghiên cứu và tài liệu về hội chứng này. Những con số này cho thấy tính phức tạp và rắc rối, ngay cả đối với nhân viên y tế.

 

Tại sao tôi bị buồng trứng đa nang (BTĐN)?

Câu trả lời là “không xác định”. Chưa thấy kết luận nào từ nghiên cứu đáng tin cậy cho thấy ăn gì dễ bị buồng trứng đa nang (BTĐN), sống ở đâu bị “nhiễm” BTĐN. Cho đến tận bây giờ, chuyên gia trên toàn thế giới vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu về BTĐN, hay “bình dân” hơn là vẫn cãi nhau ì xèo nên thôi, mình chấp nhận nếu lỡ số phận an bày.

 

Tại sao bây giờ nhiều người bị BTĐN quá vậy?

Không có đâu, bệnh lý này được mô tả từ xa xưa lắm- từ hồi thế kỷ thứ 18. Nhưng có lẽ, do đời sống được nâng cao, nhiều phụ nữ có điều kiện được khám và chăm sóc sức khoẻ hơn và thông tin dễ được trao đổi hơn nên “cảm giác” nhiều người mắc. Tỷ lệ của BTĐN khoảng 5-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

 

Làm sao biết được mình mắc hội chứng BTĐN?

Khi học về BTĐN, tôi hình dung một phụ nữ điển hình của hội chứng này bằng câu văn trong bài hồi học cấp 3 “nàng có vẻ đẹp của một người đàn ông không đẹp”. Nhưng khi làm thực tế, nhiều bệnh nhân BTĐN cũng xinh đẹp vô cùng. Biểu hiện của bệnh này rất đa dạng, không thể chỉ “nhìn mặt mà bắt hình dong” mà cần kết hợp thăm khám, siêu âm, xét nghiệm máu. Một số đặc điểm điển hình như sau:

  • Kinh thưa hay không có kinh (rối loạn phóng noãn). Được gọi là kinh thưa khi số lần hành kinh trong một năm < 8 lần, hay chu kỳ > 35 ngày. Vô kinh tức là không có kinh từ > 6 tháng và cần phải sử dụng thuốc mới có kinh được. Khoảng gần 80% bệnh nhân BTĐN có biểu hiện này, nghĩa là hơn 20% còn lại hành kinh đều bình thường.
  • Biểu hiện rối loạn nội tiết tố: rậm lông, mụn mặt, da nhờn, hói đầu giống nam giới (do tăng Androgen). Để xác định, bác sĩ sẽ xét nghiệm những nội tiết tố cần thiết để đánh giá.
  • Béo phì: đặc điểm bệnh nhân dễ tăng cân và béo phì (hay gặp béo vùng bụng). Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân rất mảnh mai. Cho nên thấy ai hơi tròn trịa đừng vội “phán” BTĐN kẻo nỗi buồn thêm chồng chất.
  • Siêu âm thấy hình ảnh BTĐN: tiêu chuẩn đánh giá BTĐN có hẳn hoi, chứ không đơn thuần thấy “nhiều nhiều” rồi chẩn đoán. Bạn cũng đừng vội hoang mang sao bác sĩ này nói “đa nang rồi – vô sinh rồi”, trong khi bác sĩ khác tỉnh rụi “không sao đâu – bình thường mà”. Để chính xác cần siêu âm ngả âm đạo, siêu âm ngả bụng dễ sai lầm. Nhưng nếu “lỡ” đủ tiêu chuẩn chẩn đoán hình ảnh đa nang trên siêu âm mà bệnh nhân kinh nguyệt bình, đủ con, không có rối loạn nội tiết trên lâm sàng thì…thôi, đừng cố “vạch lá tìm sâu”, hãy để sâu an yên thành bướm. Ngược lại, không phải bệnh nhân hội chứng BTĐN nào cũng có hình ảnh buồng trứng nhiều nang trên siêu âm, nên cũng đừng “cứ đi đi, bỏ mặc em” vì một phút vô tình nào đó.

 

Ảnh hưởng của buồng trứng đa nang bao gồm những gì?

Ảnh hưởng lâu dài bao gồm: tiểu đường, ung thư nội mạc tử cung, bệnh lý tim mạch. Mấy “món” này hoàn toàn có thể tầm soát chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bằng khám sức khoẻ định kỳ. Hơn nữa, mấy bệnh lý này hầu hết đều liên quan đến biết bao yếu tố khác như lối sống, dinh dưỡng, yếu tố gia đình…nên không cần phải mất ăn mất ngủ ngày đêm suy nghĩ xem mình đã ung thu tới nơi hay chưa. Đời mình có hạn, nếu mất ăn mất ngủ vì soái ca nào đó xem ra vui hơn.

Nhiều nhất, quan trọng nhất đối với mình vì liên quan đến công việc mỗi ngày của mình, đó là Vô sinh – hiếm muộn. Quan niệm “hễ có kinh mới có con” làm những bệnh nhân BTĐN mang nặng cảm giác mặc cảm và buồn phiền. Từ giờ, mình nghĩ khác đi bằng suy nghĩ tích cực “trứng mình nhiều vô sô kể”. Vì rối loạn nội tiết làm trục trặc chuyện “nàng trứng đăng quang hoa hậu”, chàng tinh trùng không biết khi nào và tìm nàng nơi đâu. Nếu chờ trên 1 năm mà không có thai, bạn cần đến các cơ sở có điều trị hiếm muộn để được giúp đỡ.

 

Điều trị BTĐN như thế nào?

Điều trị cho hết BTĐN – tiếc là làm chưa được. Nhưng điều trị mấy cái rắc rối dù lớn dù nhỏ do BTĐN gây ra thì được.

Giảm cân: vừa đẹp hơn, vừa dễ có con hơn nếu đang mong con. Giảm cân thật sự có lợi cho bệnh nhân BTĐN có dư cân nên hãy cố gắng để “nhất tiễn hạ song điêu”.

Phẫu thuật: đó là phương pháp mổ nội soi để đốt điểm buồng trứng. Phương pháp này thích hợp cho nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, thời gian mong con ngắn. Tuy nhiên, bên cạnh những tai biến phẫu thuật thì đốt điểm buồng trứng còn gây lo ngại giảm dự trữ buồng trứng do huỷ mô lành. Vì vậy, không phải bệnh nhân nào cũng cần mổ, và phẫu thuật viên thực hiện phải được đào tạo tốt, tay nghề cao.

Kích thích buồng trứng: có rất nhiều thuốc, có thể uống, có thể tiêm. Việc theo dõi khi kích thích buồng trứng cho nhóm bệnh nhân BTĐN đòi hỏi bác sĩ phải nhiều kinh nghiệm. Đáp ứng với thuốc kích thích buồng trứng của bệnh nhân BTĐN rất đa dạng, và hậu quả gần nhất nếu không xử lý tốt là quá kích buồng trứng và “trăm trứng nở trăm con” (tức là có 3-4-5-6 thai được hình thành cùng lúc).

Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm, nuôi trứng non. Bơm tinh trùng vào buồng tử cung thì đã viết bài riêng. Thụ tinh trong ống nghiệm xin hẹn lại vì hơi “à ơi câu chuyện dài hơi”. Lúc này thích hợp cung cấp thêm cho bạn một thông tin về phương pháp điều trị hay cho bệnh nhân BTĐN, đó là trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (hay IVM, nuôi trứng non). Đây cũng là lúc ứng dụng nguyên tắc “nếu cuộc sống cho bạn trái chanh”, ly đá chanh thơm ngon bổ dưỡng BTĐN là có thật. Nuôi trứng non vừa an toàn (không lo quá kích buồng trứng), vừa đỡ mất thời gian và công sức hơn thụ tinh trong ống nghiệm bình thường, vừa tiết kiệm nhiều chi phí. Bác sĩ lấy trứng nhỏ trên buồng trứng (mà bạn quá nhiều) đem nuôi lớn rồi kết hợp với tinh trùng thành em phôi. Công cuộc “ép duyên” này diễn ra trong phòng thí nghiệm, sau đó em phôi bé nhỏ được chuyển vào buồng tử cung, 14 ngày sau bạn thành “mẹ bầu”. Điều tuyệt vời hơn nữa là bạn đang sống ở một đất nước mà kỹ thuật nuôi trứng non thuộc hàng top trên thế giới. Nhiều chuyên gia nước ngoài đã đến để học tập và trao đổi kinh nghiệm đủ chứng tỏ bạn được ưu ái “thiên thời và địa lợi” rồi.

 

Bệnh viện Mỹ Đức

 

https://qik.com.vn/