BỆNH VIỆN MỸ ĐỨC
BỆNH VIỆN MỸ ĐỨC

Tầm soát HPV trong phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Thứ bảy, 14/03/2020, 07:38 GMT+7

Ung thư cổ tử cung trên Thế giới

Ung thư cổ tử cung (CTC) là bệnh lý ác tính, chiếm vị trí thứ 2 trong các bệnh ung thư sinh dục của phụ nữ trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2013, mỗi năm có trên 500.000 trường hợp mới mắc và trên 270.000 phụ nữ tử vong do ung thư CTC.

 

Ung thư cổ tử cung tại Việt Nam

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 5.000 trường hợp ung thư CTC được phát hiện, đa số ở giai đoạn muộn. Năm 2010, Hiệp hội nghiên cứu về ung thư thuộc WHO ước tính mỗi ngày tại Việt Nam có 9 phụ nữ tử vong vì ung thư CTC và 17 trường hợp mới được chẩn đoán.

Phụ nữ mọi lứa tuổi khi đã có quan hệ tình dục đều có nguy cơ bị ung thư CTC.

 

HPV và ung thư cổ tử cung

Ung thư CTC không phải là bệnh di truyền. Nguyên nhân gây ra ung thư CTC được xác định là do Human Papilloma Virus (HPV) nhóm nguy cơ cao. Virus được lây truyền qua quan hệ tình dục và/hoặc tiếp xúc với cơ quan sinh dục của người bị nhiễm HPV (bằng đường miệng, hậu môn). Ngoài ra, HPV có thể gây tổn thương ác tính ở âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng.

Có trên 150 type HPV, trong đó khoảng 40 type có khả năng lây qua đường tình dục. Ước tính 50 – 80% phụ nữ và nam giới có quan hệ tình dục bị nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời, và nếu nhiễm tồn tại lâu dài có thể gây ra các tổn thương ở CTC và có thể phát triển thành ung thư.

Đa số mọi người không biết mình bị nhiễm HPV cho đến khi bệnh được phát hiện.

 

Các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

Phết tế bào CTC (Pap smear) là xét nghiệm tầm soát phổ biến. Nhưng nếu chỉ làm Pap smear sẽ không phát hiện hết tất cả các trường hợp bất thường. Khoảng 20 – 30% trường hợp ung thư được phát hiện ở người có kết quả Pap smear bình thường trước đó. Các loại Pap smear nhúng dịch được cho thấy có khả năng phát hiện bệnh lên đến 95%.

Xét nghiệm HPV để tìm sự hiện diện của HPV là xét nghiệm hiệu quả được thực hiện đơn giản bằng cách lấy mẫu dịch ở CTC, có độ nhạy cao trên 95% (hơn Pap smear 30%) và độ đặc hiệu trên 90%. Xét nghiệm HPV theo công nghệ Panagene giúp phát hiện và định danh được tất cả các type HPV nguy cơ cao. Tháng 4/2014, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm của Hoa Kỳ (FDA) công nhận xét nghiệm HPV là phương pháp tầm soát ung thư CTC đầu tay.

WHO và các hiệp hội về ung thư CTC khuyến cáo xét nghiệm HPV kết hợp Pap smear để tăng hiệu quả tầm soát và phát hiện sớm ung thư CTC.

Với sự phát triển của các biện pháp tầm soát, ung thư CTC có thể ngăn ngừa và điều trị khỏi nếu phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

 

Cần làm gì khi nhiễm HPV nguy cơ cao?

Theo những hướng dẫn lâm sàng mới nhất, nếu chị em phụ nữ dương tính với các type HPV nguy cơ cao 16, 18…, có thể được chỉ định soi CTC để phát hiện các biến đổi bất thường ở CTC.

Ngoài ra, có thể chị em phụ nữ sẽ được chỉ định thực hiện thêm Pap smear để tăng hiệu quả tầm soát ung thư CTC.

Việc theo dõi và xử trí sau đó sẽ tuỳ thuộc vào các kết quả tầm soát được.

 

Bệnh viện Mỹ Đức

 

https://qik.com.vn/