NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI CHĂM SÓC EM TRẺ SƠ SINH

Khi nghe tiếng khóc chào đời của thiên thần bé nhỏ, người mẹ như vỡ oà hạnh phúc. Nhưng bên cạnh niềm vui ấy, chắc hẳn ba mẹ cũng còn có những bỡ ngỡ và trăn trở khi chăm sóc cho bé yêu của mình. Bài viết này sẽ giúp ba mẹ tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc và tự tin hơn trong việc chăm sóc bé yêu.

1. Tắm cho bé

Việc tắm cho bé hàng ngày giúp da bé sạch sẽ, tuần hoàn máu được cải thiện và giúp phát hiện sớm các bất thường trên da.

  • Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nên đợi ít nhất 24 giờ sau sinh mới tắm bé. Điều này giúp bé ổn định thân nhiệt, đồng thời giảm nguy cơ hạ thân nhiệt, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hạ thân nhiệt.
  • Sau khi sinh 24 giờ, mẹ có thể bắt đầu tắm cho bé mỗi ngày bằng nước ấm, nhiệt độ nước khoảng 37 – 380 C (Mẹ có thể kiểm tra độ ấm bằng mu bàn tay hoặc khuỷu tay)
  • Nên tắm bé vào thời điểm cố định trong ngày, sẽ giúp bé hình thành thói quen sinh hoạt đều đặn
  • Trước khi tắm cho bé, mẹ nên chuẩn bị đầy đủ: thau đựng nước ấm, sữa tắm gội dành riêng cho bé, khăn mặt, khăn lau, một chiếc tã mới, một bộ quần áo sạch và dụng cụ vệ sinh rốn, mắt, mũi sau khi tắm.
  • Giữ ấm cho bé bằng cách tắm nơi không có gió lùa, đóng cửa sổ, không bật quạt, tắt máy lạnh trước khi tắm để làm ấm phòng.
  • Lau khô bé ngay sau khi tắm và mặc đồ giữ ấm.
  • Thời gian tắm cho bé khoảng 5 phút, hạn chế ngâm bé trong nước quá lâu

2. Cho bé ngủ

Giấc ngủ là một phần quan trọng của sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh:

Thời gian ngủ đủ của bé trong ngày dựa trên độ tuổi của bé, bé càng lớn thời gian ngủ ngắn lại:

  • Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi: Một em bé khỏe mạnh trong độ tuổi này sẽ ngủ tổng cộng khoảng 16 đến 17 giờ trong một ngày. Bé thường sẽ ngủ từng giấc ngắn từ 2 đến 4 giờ, thức dậy để được cho ăn, ợ hơi, thay tã và dỗ dành.
  • 4 đến 6 tháng:  bé có thể ngủ khoảng 12 đến 16 giờ một ngày. Giấc ngủ trưa của bé cũng sẽ trở nên ổn định hơn, khoảng 3 giấc một ngày khi bé được 5 tháng tuổi. Và thói quen ngủ của bé cuối cùng cũng sẽ hòa nhập vào thói quen của cả gia đình khi bé bắt đầu ngủ nhiều hơn vào ban đêm và ít hơn vào ban ngày.
  • 7 đến 11 tháng: tổng thời gian ngủ vẫn giữ nguyên, nhưng thời gian ngủ qua đêm có thể lên tới 10 đến 12 giờ và giấc ngủ trưa sẽ khoảng 2 giờ.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ sơ sinh:

  • Nếu bé sinh non < 37 tuần, số giờ ngủ của bé sẽ khác với trẻ sơ sinh đủ tháng. Trẻ sinh non có thể ngủ tới 22 giờ một ngày, tùy thuộc vào mức độ sinh non của trẻ và trẻ sẽ thức dậy thường xuyên hơn để bú.

Cho bé làm quen với ngày và đêm, bạn nên tập cho bé biết ban ngày và đêm khác nhau ngay từ những ngày đầu tiên.

  • Vào ban ngày, nên mở rèm cửa, chơi trò chơi và đừng quá lo lắng về tiếng ồn hàng ngày khi bé ngủ.
  • Vào ban đêm, bạn có thể giữ đèn ở mức thấp, không làm ồn và nói chuyện nhỏ nhẹ, tập cho bé ngủ yên

Dần dần bé sẽ học được ban đêm là thời gian để ngủ. Trong 6 tháng đầu, bé nên được ngủ cùng phòng với ba mẹ cả ngày lẫn đêm để bé được theo dõi và quan sát liên tục.

Bạn có thể bắt đầu tập cho bé quen với việc đi ngủ bằng cách đặt bé xuống giường/ cũi (không gian ngủ) trước khi bé ngủ.

3. Thay tã cho bé

Bé cần thay tã thường xuyên. Trẻ sơ sinh có làn da rất mỏng manh nên cần phải thay tã ngay khi bé tè hoặc ị để đảm bảo vùng da bé luôn khô thoáng.

Trẻ sơ sinh có thể cần thay tã tới 10 hoặc 12 lần một ngày, trong khi trẻ lớn hơn cần thay tã khoảng 6 đến 8 lần.

Trước khi thay tã cho bé, hãy rửa tay và chuẩn bị mọi thứ cần thiết bao gồm:  khăn lau trẻ em không mùi và không hóa chất độc hại (khăn giấy ướt hoặc khăn vải khô nhúng nước ấm), một cái tã sạch có độ thấm hút tốt, quần áo sạch sẽ

Lau nhẹ nhàng bằng khăn ấm, lau từ trước ra sau, lau sạch bộ phận sinh dục, mông, hậu môn.

Trò chuyện với bé trong khi bạn thay tã sẽ giúp gắn kết và hỗ trợ sự phát triển của bé.

4. Các vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh

4.1 Ọc sữa

Ọc sữa là tình trạng trẻ nôn trớ sữa trong hoặc ngay sau khi bú. Tình trạng này rất phổ biến và thường tự hết.

Triệu chứng ọc sữa ở trẻ sơ sinh bao gồm: sữa trào ra mũi, miệng trong hoặc ngay sau khi cho con bú.

Khi trẻ bị ọc sữa: nghiêng đầu và mặt trẻ qua 1 bên để sữa trào ra ngoài, tránh động tác ngửa cổ trẻ vì dễ gây sặc sữa.

Những điều bạn có thể làm để giảm ọc sữa ở trẻ sơ sinh:

  • Giữ bé đầu cao trong khi bú và sau khi bú khoảng 15-30 phút
  • Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn

4.2 Vàng da

Vàng da sơ sinh là một triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh, xảy ra 60% ở trẻ đủ tháng và 80% ở trẻ non tháng. Đa số các trường hợp vàng da thường nhẹ và tự khỏi sau 7-10 ngày.

Vàng da nhẹ: xuất hiện từ ngày thứ 3 trở đi, vàng da nhẹ ở mặt, ngực. Trẻ vẫn khỏe, bú tốt

Vàng da sinh lý: xuất hiện sau 24 giờ tuổi, mức độ vàng da không vượt ngưỡng chiếu đèn, kéo dài ít hơn 1 tuần ở trẻ đủ tháng và ít hơn 2 tuần ở trẻ non tháng. Trẻ vẫn khỏe, bú tốt

Vàng da bệnh lý: xuất hiện trước 24 giờ tuổi, vàng da tới bàn tay, bàn chân, kèm theo các triệu chứng sốt, nhiễm trùng,…

Biến chứng não: trẻ ngủ nhiều, bú giảm, li bì, quấy khóc, sốt,…

Nếu bạn thấy vàng da tăng lên, bé bú ít thì cần đưa bé đến khám tại các cơ sở y tế.

Mong rằng với những thông tin hữu ích trên, ba mẹ sẽ cảm thấy tự tin hơn trong việc theo dõi và chăm sóc bé yêu của mình. Điều này sẽ giúp bé khỏe mạnh và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, ba mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám. Chúc ba mẹ tự tin và thành công trong hành trình chăm sóc bé yêu của mình!

 

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *