ẢNH HƯỞNG CỦA TIA X LÊN THAI NHI

X-quang là phương pháp được dùng phổ biến trong chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên nhiều thai phụ vẫn rất e dè khi chụp X-quang trong thời gian đang mang thai do lo ngại ảnh hưởng của tia X không tốt đến em bé. Vậy cụ thể tia X được phóng ra từ chụp X-quang có ảnh hưởng như nào đối với thai nhi?

1. Tia X là gì?

Tia X là một dạng năng lượng được gọi là bức xạ ion hóa. Tia X có đủ năng lượng để đi qua cơ thể. Khi tia X di chuyển qua cơ thể, nó đi qua xương, mô và các cơ quan khác nhau. Điều này cho phép tạo ra hình ảnh về các cơ quan trên cơ thể. Những hình ảnh này được sử dụng để giúp hướng dẫn điều trị y tế.

Bức xạ được đo theo nhiều cách khác nhau. Đơn vị đo lường quốc tế cho liều bức xạ là milli-sievert (mSv).

2. Những nguy cơ có thể gặp khi chụp X-quang

Những nguy cơ có thể gặp sau một lần chụp X-quang là rất hiếm. Tuy nhiên nếu chụp nhiều lần, chụp đi chụp lại trong thời gian ngắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe vì tia X có thể gây ra những tổn thương cho một số tế bào trong cơ thể và có thể tiến triển thành ung thư về sau.

Để vừa thu được hình ảnh rõ nét nhất của cơ quan cần chụp cũng như vừa đảm bảo sức khỏe người chụp thì liều bức xạ ion hóa luôn được giữ ở mức tối ưu nhất.

Chỉ định chụp X-quang ở phụ nữ mang thai cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi thực hiện. Hiện nay có nhiều kỹ thuật thay thế, tuy nhiên trong trường hợp thật sự cần thiết vẫn có thể chỉ định chụp X-quang. Tùy vào giai đoạn, liều tia sử dụng (kỹ thuật chụp) sẽ có những ảnh hưởng khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay không có một loại nào có thể gây hại cho thai chỉ với một lần chụp.

3. Ảnh hưởng của tia X lên thai nhi

3.1 Cơ chế tác động của tia X lên thai nhi

Sự ảnh hưởng của tia X đối với sức khỏe của con người liên quan tới liều tia, thời gian tiếp xúc, số lần nhận tia…. Hàng ngày chúng ta vẫn nhận nguồn bức xạ từ xung quanh, không ai có thể tránh được. Bức xạ đó có trong đất, nước và không khí của chúng ta. Các nguồn bức xạ này được gọi là bức xạ nền. Hầu hết mọi người đều tiếp xúc với khoảng 3 mSv bức xạ nền mỗi năm. Trong thời kỳ mang thai, thai nhi tiếp xúc với khoảng 1 mSv bức xạ nền.

Phương pháp chụp X-quang có liều thấp hơn so với bức xạ được dùng để điều trị. Tùy mục tiêu chẩn đoán, liều tia sử dụng khác nhau, mức độ nguy hại khi tiếp xúc với tia X cũng khác nhau.

Khi thực hiện kỹ thuật chụp X-quang vào các cơ quan như tim, phổi thì tia X không chiếu vào vùng bào thai. Một số tia thứ cấp có thể chạm tới nhưng với liều rất nhỏ nên không thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh

Theo các nghiên cứu cho thấy, nếu thai nhi nhiễm liều bức xạ từ 20-60 mSv sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư về sau, với liều bức xạ từ 50-60 mSv thai nhi có thể có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh.

Liều lượng bức xạ ion hóa mà bạn tiếp xúc khi chụp X-quang là bao nhiêu?

Bảng dưới đây cho thấy liều ước tính trung bình khi chụp X-quang:

3.2  Liều tia X đối với thai nhi trong chụp X-quang

Bào thai rất ít bị ảnh hưởng bởi tia X khi ở giai đoạn 2 tuần đầu. Với liều cao hơn nhiều (liều 50 mSv), tia X mới có khả năng gây sảy thai, tức là tương đương 500 lần chụp tim phổi.

Thai nhi từ 2 đến 8 tuần: với liều chụp chẩn đoán, tia X không có khả năng gây ra dị tật, sảy thai hoặc khiến thai nhi chậm phát triển, ngoại trừ trường hợp liều trên 200 mSv (tương đương với 2000 lần chụp tim phổi).

Thai nhi từ 8-15 tuần: lúc này hệ thần kinh trung ương của bào thai có thể nhạy cảm với ảnh hưởng của tia X nhưng liều phải trên 300 mSv, tức là tương đương 3000 lần chụp tim phổi.

Thai nhi sau tuần 20: lúc này các cơ quan của thai nhi đã phát triển hoàn toàn, vì vậy tác động của tia X sẽ thấp hơn.

Khi chụp X quang răng cho thai phụ, thai nhi nhận một liều bức xạ khoảng 0,001 mSv tương đương với chụp răng 100.000 lần liên tục thì thai nhi mới nhận liều 10 mSv. Đồng nghĩa với việc chụp răng 500.000 lần mới đạt 50 mSv, ngưỡng này vẫn chưa thể làm gia tăng nguy cơ nào đối với thai nhi.

Như vậy tia X trong chẩn đoán hầu như không làm gia tăng tỷ lệ dị tật bẩm sinh thai nhi hoặc sẩy thai chỉ với một lần thực hiện, tuy nhiên cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với tia X trong thời kỳ mang thai. Vì vậy, khi có chỉ định chụp X-quang cần thông báo cho bác sĩ về thai kỳ của mình. Có thể sử dụng các biện pháp bảo vệ khi chụp X-quang như che chắn bằng áo chì, yếm chì… Vẫn có một tỷ lệ nhỏ (4-6%) thai nhi bị bất thường ngay cả khi không tiếp xúc với tia X, chính vì vậy trong thời kỳ mang thai, thai phụ cần thực hiện kiểm tra, tầm soát định kỳ để phát hiện sớm những bất thường nếu có.

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *