Hành trình vượt cạn là một hành trình đầy gian nan với nhiều nguy hiểm có thể xảy ra cho cả mẹ và bé. Để tìm hiểu các biến chứng có thể gặp phải trong quá trình sinh nở và cách dự phòng tốt nhất, chúng ta cùng tìm hiểu bài viết sau nhé.
1. Biến chứng ở mẹ
Có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra cho người mẹ trong quá trình sinh nở, trong đó biến chứng thường gặp là:
- Băng huyết sau sinh: là tình trạng chảy máu nhiều sau đẻ, mất máu trên 500 ml đối với sinh thường hay có rối loạn huyết động ghi nhận trong 24 giờ đầu sau sinh. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho mẹ bầu khi vượt cạn. Nguyên nhân gây băng huyết sau sinh là do đờ tử cung, tổn thương sinh dục (tổn thương tầng sinh môn, âm đạo, vỡ tử cung, lộn tử cung), sót tổ chức (sót nhau, nhau không bong), bệnh lý đông máu.
- Tổn thương vùng kín: Các tổn thương vùng kín thường gặp trong quá trình sinh nở là: Rách tầng sinh môn, rách âm đạo và rách cổ tử cung. Nếu các tổn thương này không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây mất máu nhiều. Các tổn thương vùng kín được khâu phục hồi sẽ giúp cầm máu tốt và vết thương nhanh lành. Tuy nhiên, một số trường hợp rách tầng sinh môn độ 4 ảnh hưởng đến các cơ thắt hậu môn, nếu không được xử trí đúng cách có thể gây rò trực tràng – âm đạo, són tiểu.
- Các biến chứng khác như: thuyên tắc ối, sản giật,…
2. Biến chứng ở bé
Ngạt chu sinh: là tình trạng thiếu lưu lượng máu hoặc giảm trao đổi khí đến thai nhi trong giai đoạn trước, trong hoặc sau khi sinh. Ngạt chu sinh có thể dẫn đến các di chứng toàn thân và thần kinh nặng nề do giảm lưu lượng máu và oxy cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh xung quanh thời điểm bảy ngày đầu sau khi em bé được sinh ra.
Gãy xương đòn: Gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh là một sang chấn sản khoa xảy ra trong quá trình sinh làm xương đòn mất liên tục. Đây là chấn thương phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và sẽ tự lành sau khoảng 2 tuần, hầu như không có di chứng. Gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh thường gặp trong các cuộc sinh khó. Yếu tố nguy cơ của gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh lúc sinh là:
- Cân nặng lúc sinh > 4 kg
- Sinh vai khó khi sinh ngả âm đạo
- Đường âm đạo hẹp so với kích thước bé
- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ khi sinh.
3. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến các biến chứng cho mẹ và bé
3.1 Nhóm nguy cơ liên quan đến mẹ bầu
Tuổi mẹ: Sinh con khi còn quá trẻ (dưới 16 tuổi) hoặc sinh con khi mẹ đã lớn tuổi (tức là ≥ 35 tuổi)
Sức khoẻ của mẹ trong quá trình mang thai, sinh nở và sau sinh: Trong suốt thai kỳ, sức khỏe và tinh thần của mẹ bầu ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển và sức khỏe lâu dài của trẻ.
Thể trạng của mẹ bầu: quá béo (trên 70 kg) hoặc quá gầy (dưới 40kg) cũng là một trong những yếu tố nguy cơ cho mẹ trong cuộc chuyển dạ.
Những bất thường về giải phẫu đường sinh dục ở mẹ như: tử cung đôi, tử cung hai sừng, vách ngăn tử cung… dễ gây đẻ non, vách ngăn âm đạo cản trở thai xuống.
Các bệnh lý của mẹ bầu đã có từ trước: Tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh tim.
Các yếu tố bất thường phát sinh trong kỳ thai này: nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, nhau bong non, đa ối, thiểu ối,…
Tiền sử thai sản: Sẩy thai liên tiếp, đa sản.
3.2 Nhóm nguy cơ từ thai nhi
Thai bất thường, thai suy dinh dưỡng, thai chết lưu, song thai, đa thai, ngôi bất thường.
Cân nặng thai nhi: Thai to có thể làm tăng nguy cơ mắc một số biến chứng trong quá trình sinh nở.
4. Phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình mang thai và sinh nở
Không phải lúc nào cũng có thể ngăn chặn mọi biến chứng phát sinh trong quá trình sinh nở. Tuy nhiên, có một số cách có thể giúp giảm thiểu khả năng xảy ra biến chứng, chẳng hạn như:
- Chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng: phụ nữ mang thai cần bổ sung thực phẩm giàu protein, canxi và axit folic. Một chế độ ăn uống phù hợp với đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ hỗ trợ cho sự phát triển các cơ quan bộ phận, chức năng nhận thức và khả năng phục hồi của hệ miễn dịch của trẻ khi nằm trong bụng mẹ. Ngược lại, tình trạng suy dinh dưỡng ở các mẹ bầu hoặc tăng cân quá mức, có liên quan đến cân nặng khi sinh thấp, phát triển thần kinh kém và tăng khả năng mắc các bệnh mãn tính sau này của trẻ. Ngoài ra, cũng cần bổ sung thêm các vitamin khác cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.
- Ngủ đủ giấc: nghỉ ngơi đầy đủ là một trong những cách tốt nhất để cân bằng sức khỏe thể chất và tinh thần.
- Tập thể dục thường xuyên: duy trì hoạt động thường xuyên là cách lý tưởng để ngăn bản thân tăng cân quá mức và hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, giúp giảm nguy cơ gặp phải một số biến chứng nhất định khi mang thai, chuyển dạ và sinh nở. Hãy thảo luận với Bác sĩ để được tư vấn bài tập phù hợp với thai kỳ của bạn.
- Tăng cân trong thai kỳ theo khuyến nghị: tùy theo cân nặng và chỉ số BMI trước khi mang thai mà mức tăng cân khuyến nghị ở mỗi phụ nữ sẽ khác nhau. Mẹ bầu có BMI bình thường trước mang thai thì mức tăng cân nên đạt từ 11.5 – 16 kg trong thai kỳ.
- Quản lý bệnh tiểu đường của mẹ bầu: nếu mẹ bầu được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường trước khi mang thai hoặc trong thai kỳ, thì cần phải theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu.
- Khám thai định kỳ: Việc khám thai theo lịch hẹn với bác sĩ sản khoa trong thai kỳ sẽ giúp ngăn ngừa và phát hiện, cũng như theo dõi các bất thường và chủ động phòng ngừa, xử trí giúp mẹ và bé tránh khỏi những biến chứng khi sinh.
Những biến chứng trong quá sinh nở có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và bé. Chuẩn bị trước khi mang thai và chăm sóc thai kỳ sẽ giúp phát hiện, theo dõi, xử trí sớm các bất thường để hành trình sinh nở an toàn, mẹ tròn con vuông.