NHỮNG PHƯƠNG PHÁP GIẢM ĐAU HIỆU QUẢ KHI SINH

Sinh con là một thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Trong hành trình chào đón thiên thần nhỏ của mình thì thời khắc vượt cạn với những cơn đau chính là nỗi ám ảnh đối với người mẹ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho mẹ bầu thông tin về những phương pháp giảm đau khi sinh, giúp mẹ bầu có thể tự tin hơn trong hành trình vượt cạn của mình nhé!

1. Các phương pháp giảm đau khi sinh

1.1 Phương pháp giảm đau khi chuyển dạ không dùng thuốc

Khuyến khích sản phụ nhận thức về hơi thở của bản thân và cách điều chỉnh hơi thở trong quá trình chuyển dạ, hãy thả lỏng cơ thể, hít sâu bằng mũi và thở ra từ từ bằng miệng sẽ giúp giảm căng thẳng và giảm cảm giác đau. Thêm vào đó, thưởng thức những giai điệu âm nhạc hoặc hương thơm mà mình thích cũng giúp cải thiện cường độ cơn đau.

Vào giai đoạn đầu của chuyển dạ, sản phụ nên đi lại và vận động nhẹ nhàng, thực hiện các tư thế đứng thẳng, thay đổi tư thế thường xuyên và áp dụng bất kỳ tư thế nào mà sản phụ cảm thấy thoải mái nhất. Có thể sử dụng bóng sinh, ghế, hoặc thảm để hỗ trợ sản phụ trong việc chọn lựa tư thế phù hợp, đung đưa hoặc lắc hông với sự hỗ trợ của nhân viên y tế hoặc người thân.

Ngâm trong nước trong khi chuyển dạ giúp sản phụ thư giãn và giảm đau, tuy nhiên phương pháp này phù hợp với thai phụ có thai kỳ bình thường, vì vậy cần phải được Bác sĩ tư vấn và hướng dẫn trong từng trường hợp cụ thể.

Mát xa có thể giúp sản phụ giảm đau trong giai đoạn sớm của chuyển dạ, đồng thời mát xa còn giúp cải thiện tuần hoàn, thư giãn các cơ và nâng cao tinh thần, từ đó giúp sản phụ giảm căng thẳng và lo lắng. Người nhà cùng đồng hành và mát xa nhẹ nhàng ở tay, chân và lưng cho sản phụ, lưu ý tránh vùng bụng, vùng da nhạy cảm và xương cùng.

Và điều quan trọng là luôn có người thân bên cạnh để cùng đồng hành với sản phụ sẽ là liệu pháp tinh thần tốt nhất để xoa dịu các cơn đau trong hành trình vượt cạn.

Hỗ trợ từ người thân

1.2 Phương pháp giảm đau dùng thuốc

Ngoài phương pháp giảm đau tự nhiên không dùng thuốc, thì gây tê ngoài màng cứng là phương pháp giảm đau dùng thuốc rất hiệu quả và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực sản phụ khoa từ những năm 1970.

Gây tê ngoài màng cứng hay còn gọi là “Giảm đau sản khoa”, là phương pháp mà thuốc tê sẽ được truyền vào khoang ngoài màng cứng ở đốt sống lưng thông qua một ống rất nhỏ, nhằm ức chế dẫn truyền thần kinh, giúp mẹ giảm đau trong suốt quá trình chuyển dạ.

Gây tê ngoài màng cứng được thực hiện bởi bác sĩ gây mê hồi sức, trước khi thực hiện phương pháp này Bác sĩ sẽ khám đánh giá diễn tiến chuyển dạ và tư vấn chi tiết về lợi ích và nguy cơ để sản phụ có thể yên tâm phối hợp trong suốt quá trình thực hiện.

Thủ thuật giảm đau sản khoa

2. Chống chỉ định của gây tê ngoài màng cứng

Mẹ dị ứng thuốc tê

Có hiện tượng chảy máu, nhiễm trùng máu

Nhiễm trùng da nơi đặt ống thông

Mẹ có cột sống bất thường

Mẹ rối loạn đông máu hay đang sử dụng thuốc chống đông

2.1 Ưu điểm của gây tê ngoài màng cứng

Giúp giảm đau trong quá trình sinh nên mẹ sẽ không bị kiệt sức.

Không làm mất cảm giác rặn đẻ nên mẹ có sức rặn tốt hơn và có thể cho bé bú sớm.

Giúp cuộc sinh dễ dàng hơn, đặc biệt khi mẹ có các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh phổi…

Thuốc sẽ được duy trì trong suốt quá trình chuyển dạ và sau sinh cho đến khi bác sĩ hoàn thành các thủ thuật sau sinh như: lấy nhau, may tầng sinh môn.

Mẹ đã đặt ống thông ngoài màng cứng, sẵn sàng cho tình huống chuyển từ sinh thường sang mổ lấy thai nếu cuộc chuyển dạ không thuận lợi.

Thuốc tê dùng với nồng độ thấp nên không ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và bé.

2.2 Nhược điểm của tê ngoài màng cứng

Mẹ có thể có cảm giác ngứa như kiến bò, lạnh run, nôn, tê nặng hai chân, khó đi tiểu tạm thời.

Sau gây tê 24-48 giờ, mẹ có thể nhức đầu khi ngồi và hết khi nằm.

Mẹ có thể đau lưng tại vị trí đặt ống thông và hết sau 48 giờ.

Một số biến chứng rất hiếm gặp như dị ứng, tê tay, cử động ở tay và vai yếu hơn.

2.3 Mẹ cần lưu ý gì khi gây tê ngoài màng cứng

Thông báo cho bác sĩ đầy đủ về tình trạng bệnh, thuốc đang sử dụng và tiền sử dị ứng.

Nên nằm yên và thực hiện tốt tư thế theo hướng dẫn khi bác sĩ gây tê để quá trình thực hiện thủ thuật diễn ra nhanh chóng và dễ dàng.

Báo ngay cho bác sĩ khi có bất kì dấu hiệu bất thường trong và sau khi bác sĩ gây tê ngoài màng cứng để được xử trí kịp thời.

Sau sinh mẹ nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, không nên ngồi hoặc đứng quá lâu.

2.4 Lựa chọn phương pháp giảm đau phù hợp

Mỗi phương pháp giảm đau đều có ưu điểm và rủi ro riêng. Khả năng chịu đau của mỗi người là khác nhau, mẹ cần hiểu rõ về mức độ đau của mình, cần chuẩn bị tâm lý vững vàng để đối mặt với quá trình sinh nở một cách nhẹ nhàng. Trước khi sinh, mẹ sẽ được bác sĩ thăm khám, xem xét tình trạng sức khỏe của mẹ và bé để tư vấn những phương án giảm đau phù hợp nhất.

Với sự tiến bộ trong y học, quá trình vượt cạn của mẹ bầu đã trở nên dễ dàng và thoải mái hơn rất nhiều. Chúc các mẹ bầu có một thai kì an vui và chuẩn bị sẵn sàng khi đến ngày có dấu hiệu chuyển dạ. Vì khoảnh khắc đón con yêu chào đời luôn là những kí ức đẹp nhất trong hành trình làm mẹ, hãy lưu lại khoảnh khắc tuyệt vời ấy nhé!

 

 

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *