Trải qua một quá trình dài mang thai và sinh con, cơ thể người mẹ cần có một khoảng thời gian để hồi phục về bình thường. Việc có kinh nguyệt trở lại sau sinh là một trong những vấn đề mà nhiều bà mẹ quan tâm. Khi nào thì mình có kinh nguyệt trở lại? Như thế nào là bình thường và bất thường? Và điều này có liên quan gì đến khả năng mang thai sớm hay không?. Sau đây là những thông tin chia sẻ về các vấn đề này, các chị em cùng tham khảo nhé.
1. Kinh nguyệt và mối liên quan đến sinh sản ở phụ nữ
Chu kỳ kinh nguyệt là một hoạt động diễn ra hằng tháng ở cơ thể người phụ nữ. Hầu hết phụ nữ chúng ta có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 21 đến 45 ngày, trung bình khoảng 28 ngày. Hiện tượng hành kinh điển hình kéo dài từ 2 đến 7 ngày, với lượng máu chảy ra nhiều nhất là trong 3 ngày đầu tiên.
Chu kỳ kinh nguyệt được điều hoà bởi sự thay đổi phức tạp của nồng độ hormone trong cơ thể người phụ nữ, và có mối liên quan mật thiết với chu kỳ của buồng trứng: Tuỳ theo thời điểm nhất định, các hormon sẽ được tiết ra phù hợp giúp các nang trứng phát triển và làm dày nội mạc tử cung, đỉnh điểm của chu kỳ này là sự giải phóng của nang trứng (được gọi là giai đoạn rụng trứng). Giai đoạn rụng trứng này thường diễn ra trước khi hành kinh khoảng 2 tuần, có thể thay đổi giữa các tháng.
Trứng sau khi rụng sẽ di chuyển xuống ống dẫn trứng và chờ đợi tinh trùng. Nếu không gặp tinh trùng và không diễn ra quá trình thụ tinh thì lớp niêm mạc tử cung đó sẽ bị phá vỡ và bong ra, tạo thành kinh nguyệt. Nếu sự thụ tinh xảy ra, lớp niêm mạc tử cung sẽ tiếp tục phát triển, làm tổ cho thai. Như vậy hiện tượng hành kinh sẽ không diễn ra trong quá trình bà mẹ mang thai. Phải đợi đến một khoảng thời gian sau sinh, khi cơ thể bà mẹ hồi phục trở về bình thường, hiện tượng kinh nguyệt mới trở lại. Tùy mỗi người mà khoảng thời gian có kinh trở lại sau sinh sẽ dài, ngắn khác nhau.
2. Sau sinh bao lâu sẽ có kinh nguyệt lại?
Cơ thể bà mẹ sẽ dần hồi phục lại sau sinh như lúc chưa mang thai. Nhưng không thể biết chính xác khi nào chu kỳ kinh nguyệt sẽ bắt đầu trở lại, và mỗi người sẽ khác nhau. Thông thường sẽ diễn ra trong 02 trường hợp sau:
- Ở những phụ nữ không cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ hoặc bú sữa mẹ không liên tục (khoảng thời gian giữa các lần cho con bú dài hơn 4 giờ vào ban ngày hoặc 6 giờ vào ban đêm): kinh nguyệt có thể có lại trong vòng vài tuần ngay sau khi sinh.
- Đối với những bà mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ và tuân thủ đầy đủ quy định thời gian cho bé bú: quá trình có kinh nguyệt lại sẽ diễn ra chậm hơn. Điều này được giải thích là do khi cho con bú, cơ thể người mẹ liên tục sản xuất ra prolactin kích thích tiết sữa, đồng thời prolactin cũng có tác dụng ức chế trứng phát triển và ngăn rụng trứng, từ đó giúp ngừa thai, đồng thời nếu không có hiện tượng rụng trứng thì bạn cũng chưa có kinh nguyệt trở lại. Thời gian chậm có kinh trở lại sau sinh ở những bà mẹ cho con bú mẹ hoàn toàn cũng thay đổi tùy theo mỗi người, nếu bạn tuân thủ đúng thì có thể kéo dài đến 6 tháng sau sinh hoặc muộn hơn.
3. Một số lưu ý
Rất khó để xác định chính xác thời gian rụng trứng lần đầu ở phụ nữ sau khi sinh. Vì lần rụng trứng đầu tiên sau sinh có thể xảy ra trước kỳ kinh nguyệt của bà mẹ. Điều này giải thích lý do tại sao các bà mẹ dù chưa có kinh nguyệt trở lại sau sinh nhưng nếu quan hệ tình dục vẫn có thể thụ thai. Vì vậy, các bà mẹ cần có kế hoạch ngừa thai và tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn biện pháp ngừa thai phù hợp sau sinh.
Nếu bà mẹ thấy các bất thường như sau thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám:
- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường
- Kinh nguyệt kéo dài nhiều hơn 7 ngày.
- Máu kinh nhiều hơn bình thường, đỏ tươi, thấm ướt nhiều băng vệ sinh hoặc phải thay băng vệ sinh sau mỗi 1-2 giờ.
- Bà mẹ cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Khoảng cách giữa các chu kỳ kinh sớm 21 ngày hoặc dài hơn 45 ngày.
- Ra huyết bất thường giữa các kỳ kinh.
- Đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn trong thời gian hành kinh.
- Đột nhiên bị sốt và cảm thấy mệt mỏi.
- Lo lắng về khả năng mang thai khi bị trễ kinh hoặc quan hệ tình dục không an toàn vì không sử dụng biện pháp ngừa thai.
Mong là với những thông tin chia sẻ ở trên, bà mẹ có thể hiểu rõ hơn về sức khỏe của bản thân sau sinh, yên tâm khi chưa thấy kinh nguyệt trở lại. Từ đó, có thể chủ động lựa chọn các biện pháp ngừa thai phù hợp theo lời khuyên của bác sĩ.