Sinh nở tự nhiên

Sinh ngả âm đạo là sinh lý bình thường của cơ thể người phụ nữ khi mang thai đến ngày có dấu hiệu sinh. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học thì không ít mẹ bầu lăn tăn việc lựa chọn phương pháp sinh tự nhiên hay sinh mổ. Hãy cùng tìm hiểu về sinh nở tự nhiên qua bài viết sau đây để hiểu rõ hơn nhé.

1. Giới thiệu về sinh nở tự nhiên

Sinh nở tự nhiên (hay còn gọi là sinh ngả âm đạo), là quá trình sinh con qua đường âm đạo của người mẹ dựa vào các cơn gò tử cung và sức rặn của người mẹ.

1.1 Ưu điểm của sinh nở tự nhiên

a. Đối với mẹ

Thai phụ sẽ tránh được cuộc phẫu thuật, tránh được các tác dụng phụ của thuốc gây tê, gây mê, cũng như các tai biến trong và sau phẫu thuật

Ngay sau sinh cơ hội bé được bú mẹ thành công cao hơn, điều này giúp thai phụ phục hồi nhanh chóng về thể chất và tâm lý, ngoài ra còn làm tăng sự gắn kết giữa mẹ và con

Giảm thời gian nằm viện sau khi sinh, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ giảm chi phí

Giảm các biến chứng trong lần mang thai sau, như nhau cài răng lược, thai bám vết mổ cũ,…

b. Đối với bé

Tốt cho hệ miễn dịch của bé do được tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi từ âm đạo của người mẹ

Giúp hệ hô hấp của bé phát triển tốt

Việc da kề da với mẹ ngay sau sinh giúp bé cảm nhận được hơi ấm và tình cảm từ mẹ, giúp tăng cường cảm giác an toàn và gắn bó, hỗ trợ cho sự phát triển cảm xúc, nhận thức, giác quan và thần kinh của trẻ.

1.2 Nhược điểm của sinh nở tự nhiên

a. Đối với mẹ

Quá trình chuyển dạ diễn tiến không thuận lợi, phải mổ lấy thai cấp cứu

Tổn thương vùng kín: rách tầng sinh môn, âm đạo,…

b. Đối với bé

Nguy cơ suy hô hấp do thời gian chuyển dạ kéo dài, mẹ rặn không hiệu quả

Nguy cơ tổn thương nếu có giúp sinh bằng forceps, giác hút

2. Quá trình sinh nở tự nhiên

Chuyển dạ được đặc trưng bởi các cơn co tử cung làm cho cổ tử cung xóa mở, giúp đẩy thai nhi ra ngoài qua ngả âm đạo và em bé được chào đời. Quá trình được chia thành ba giai đoạn.

Giai đoạn một: bắt đầu khi các cơn co tử cung xuất hiện kèm theo mở cổ tử cung và kết thúc khi cổ tử cung mở trọn 10 cm. Trong giai đoạn này thai phụ sẽ thấy đau bụng, đau lưng, vỡ ối hoặc âm đạo tiết dịch nhầy có màu hồng hoặc lẫn máu. Khi thấy một trong các dấu hiệu trên thai phụ nên đến cơ sở y tế để được thăm khám kiểm tra. Giai đoạn này có thể kéo dài cả ngày, nên thai phụ cần tránh hoảng sợ, lo âu, mà hãy cố gắng giữ bình tĩnh, thực hiện các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu (hít sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng). Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc nữ hộ sinh để được hướng dẫn tư thế phù hợp nhằm giảm cơn đau, tạo sự thoải mái, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Đồng thời, cần uống đủ nước và ăn nhẹ (như cháo hoặc súp) để duy trì năng lượng. Bác sĩ và nữ hộ sinh sẽ thăm khám, theo dõi cho mẹ bầu trong suốt quá trình chuyển dạ.

Giai đoạn hai: bắt đầu khi cổ tử cung mở trọn 10cm và kết thúc khi em bé chào đời. Đây là giai đoạn rặn sinh nên lúc này thai phụ cần phối hợp hiệu quả theo hướng dẫn của bác sĩ và nữ hộ sinh. Mẹ bầu có thể sẽ đau nhiều và cần dùng sức nhiều để rặn hiệu quả. Vì vậy, hãy cố gắng để vượt cạn thành công nhé, bác sĩ và nữ hộ sinh luôn bên cạnh hỗ trợ cho bạn. Khi em bé cất tiếng khóc chào đời, là lúc người mẹ vỡ oà hạnh phúc.

Giai đoạn ba: đây là giai đoạn bánh nhau được sổ ra ngoài, hãy thật thoải mái ôm con của bạn. Bác sĩ và nữ hộ sinh sẽ giúp bánh nhau sổ ra ngoài an toàn và kiểm soát lượng máu chảy.

3. Lời khuyên trong quá trình khám thai để quá trình sinh nở thuận lợi

Đi lại, vận động nhẹ nhàng, giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc

Tham gia các lớp tiền sản, lớp yoga dành cho các mẹ bầu

Khám thai đầy đủ theo hẹn của bác sĩ sản khoa

4. Chuẩn bị khi nhập viện sinh

Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu (như cháo hoặc súp), ưu tiên uống nước lọc, không dùng các loại thức uống sau: trà sữa, cà phê sữa, nước ép trái cây, sinh tố, sữa, rượu, bia

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ

Tháo bỏ trang sức, răng giả, kính áp tròng

Không trang điểm, không tô son

Cắt ngắn móng tay, móng chân, tẩy sơn móng

Luôn có người nhà đi cùng để hỗ trợ

Mang theo các vật dụng cần thiết cho mẹ và bé

Thiên chức làm mẹ là điều thiêng liêng mà nhiều mẹ bầu luôn mong mỏi và háo hức đón chờ em bé. Sinh nở tự nhiên mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và bé, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho những lần sinh tiếp theo. Mặc dù vậy, việc lựa chọn phương pháp sinh nào còn tùy thuộc vào diễn tiến của thai kỳ, các yếu tố nguy cơ và lợi ích để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Hãy thật bình tĩnh và trao đổi với bác sĩ, nữ hộ sinh để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn thành công.

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *