Trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm, tiêm vắc xin đã trở thành một biện pháp phòng ngừa hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân và cộng đồng. Không chỉ giúp ngăn ngừa sự lây lan của các căn bệnh truyền nhiễm, vắc xin còn giúp giảm thiểu các biến chứng nặng nề của bệnh, đồng thời tạo ra một lớp bảo vệ cho những người không thể tiêm vắc xin như trẻ sơ sinh, người già, hoặc người có hệ miễn dịch yếu. Vậy tại sao việc tiêm vắc xin lại quan trọng và cần phải tiêm những loại vắc xin nào trước khi mang thai và trong thai kỳ?
1. Vắc xin là gì?
Vắc xin là một chế phẩm sinh học được tạo ra nhằm kích thích hệ miễn dịch của con người sản sinh ra kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Vắc xin chứa các vi sinh vật đã được làm yếu hoặc bất hoạt, hoặc chỉ chứa các thành phần protein của vi sinh vật. Khi tiêm vào cơ thể, vắc xin giúp hệ miễn dịch nhận diện và “ghi nhớ” các tác nhân gây bệnh để khi gặp lại chúng trong tương lai, cơ thể đã chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ hiệu quả, giúp ngăn ngừa bệnh hoặc vẫn bị bệnh nhưng nhẹ hơn.
Vắc xin ra đời đã trở thành một trong những bước tiến y học quan trọng, giúp ngăn ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, sởi, ho gà, uốn ván, và gần đây nhất là COVID-19.
2. Cơ chế hoạt động của vắc xin
Khi tiêm vắc xin, hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện các thành phần của vi sinh vật trong vắc xin như một mối đe dọa. Điều này giúp hệ miễn dịch tạo ra kháng thể để tiêu diệt chúng. Sau đó, cơ thể sẽ ghi nhớ “kẻ địch” này. Nếu cơ thể gặp lại vi sinh vật đó trong tương lai, hệ miễn dịch có thể phản ứng nhanh hơn và mạnh hơn, bảo vệ chúng ta khỏi mắc bệnh.
Có ba loại vắc xin chính:
- Vắc xin bất hoạt: chứa vi sinh vật đã bị tiêu diệt, không còn khả năng gây bệnh. Khi tiêm, hệ miễn dịch nhận diện các kháng nguyên trên bề mặt vi sinh vật và tạo ra phản ứng miễn dịch, sản xuất kháng thể. Ví dụ: vắc xin phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván (Boostrix).
- Vắc xin sống giảm độc lực: chứa vi sinh vật còn sống nhưng đã được làm yếu, các vi sinh vật này vẫn có thể sinh sôi trong cơ thể và kích thích phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn, thường tạo ra miễn dịch lâu dài. Ví dụ: vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella.
- Vắc xin tái tổ hợp: chứa protein hoặc các thành phần khác của vi sinh vật, vắc xin này kích thích hệ miễn dịch nhận diện kháng nguyên và tạo ra phản ứng miễn dịch mà không cần phải tiêm vi sinh vật gây bệnh. Ví dụ: vắc xin phòng HPV.
3. Lợi ích của tiêm vắc xin
3.1 Phòng ngừa bệnh tật
Vắc xin giúp ngăn chặn nhiều bệnh tật nguy hiểm đe dọa tính mạng. Những bệnh này, trước đây từng gây ra nhiều cái chết hàng loạt, hiện đã bị đẩy lùi nhờ chương trình tiêm chủng rộng rãi. Tiêm vắc xin không chỉ giúp bảo vệ cá nhân mà còn giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng.
3.2 Tạo miễn dịch cộng đồng
Miễn dịch cộng đồng xảy ra khi đủ một phần lớn dân số (sởi 90-95% dân số, cúm 33-44% dân số …) được tiêm vắc xin, làm giảm khả năng lây lan của bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người không thể tiêm vắc xin do các vấn đề về sức khỏe, họ sẽ được bảo vệ gián tiếp bởi những người đã tiêm chủng xung quanh.
3.3 Giảm nguy cơ biến chứng nặng
Ngoài việc phòng ngừa bệnh, tiêm vắc xin còn giúp giảm nhẹ triệu chứng và nguy cơ biến chứng nếu bị nhiễm bệnh. Ví dụ, vắc xin cúm không ngăn chặn hoàn toàn việc mắc bệnh, nhưng sẽ giúp bệnh nhẹ hơn và hồi phục nhanh hơn.
4. Các loại vắc xin phổ biến
4.1 Trước khi mang thai
a) Vắc xin sởi, quai bị, rubella (MMR):
Quan trọng để phòng ngừa bệnh rubella trong thai kỳ. Nếu thai phụ bị nhiễm rubella trong giai đoạn sớm của thai kỳ có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho thai nhi.
Cần tiêm ngừa vắc xin sởi-quai bị-rubella ít nhất 1 tháng trước khi mang thai, tốt nhất là 3 tháng.
b) Vắc xin thủy đậu:
Phụ nữ chưa từng mắc thủy đậu hoặc chưa tiêm ngừa nên tiêm trước khi mang thai.
c) Vắc xin viêm gan B:
Cần thiết cho những phụ nữ có nguy cơ phơi nhiễm viêm gan B.
d) Vắc xin HPV:
Được khuyến cáo tiêm ở độ tuổi từ 9-45 tuổi để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, các tổn thương tiền ung thư hoặc sự phát triển bất thường của tế bào hoặc mô ở các cơ quan sinh dục, mụn cóc sinh dục và bệnh lý do nhiễm HPV type 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Không tiêm trong khi mang thai.
4.2 Trong khi mang thai
a) Vắc xin uốn ván hấp thụ (VAT) và vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván (Boostrix):
Khuyến cáo phụ nữ mang thai tiêm vắc xin VAT để phòng ngừa bệnh uốn ván ở cả mẹ và con.
Khuyến cáo tiêm vắc xin Boostrix vào khoảng tuần 27-36 của thai kỳ để phòng ngừa uốn ván cho mẹ và bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván trong những tháng đầu đời:
- Thai phụ đã tiêm 1 mũi VAT trong thai kỳ: có thể tiêm 1 mũi Boostrix cách mũi VAT ít nhất 4 tuần tại thời điểm từ 27-36 tuần.
- Thai phụ đã tiêm đủ 2 mũi VAT trong thai kỳ: không tiêm Boostrix trong thai kỳ, có thể tiêm Boostrix sau sinh, cách mũi VAT cuối cùng 6-12 tháng.
- Thai phụ chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm ngừa uốn ván: tiêm 1 mũi Boostrix lúc 27-36 tuần và khuyến khích thai phụ hoàn thành 3 mũi ngừa uốn ván cơ bản sau sinh.
b) Vắc xin cúm
Khuyến cáo tiêm phòng ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, để bảo vệ cả mẹ và bé khỏi biến chứng do cúm.
5. Những lưu ý sau khi tiêm vắc xin
Sau khi tiêm vắc xin, bạn phải ở lại cơ sở y tế khoảng 30 phút để theo dõi các phản ứng phụ có thể xảy ra, chẳng hạn như dị ứng hoặc sốc phản vệ.
Bạn cần theo dõi thêm tại nhà trong vòng 48 giờ sau tiêm ngừa. Một số phản ứng thông thường sau tiêm: đau tại thời điểm tiêm, sưng, đỏ nhẹ tại chỗ tiêm sau đó thuyên giảm dần. Nếu xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao (>38,5 °C), phát ban, khó thở, sưng môi hoặc mắt, cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.
Tiêm vắc xin là một biện pháp y tế quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng khỏi nhiều bệnh tật nguy hiểm. Việc tuân thủ lịch tiêm chủng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vắc xin sẽ góp phần ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Tiêm vắc xin trước và trong khi mang thai là cách quan trọng để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.