Vắc-xin ngừa COVID-19: những điều bạn có thể quan tâm

Tuesday, 22/06/2021, 12:20 GMT+7

Cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn tiếp tục. Việt Nam đã và đang đi đến chiến dịch tiêm vắc-xin cho toàn dân. Vậy chúng ta cần biết vắc-xin là gì, cách hoạt động của các loại vắc-xin ra sao và đặc biệt đối với phụ nữ có thai, cho con bú hoặc có kế hoạch có thai thì có nên tiêm ngừa hay không? Hy vọng bài viết dưới đây sẽ phần nào giải đáp được thắc mắc của các bạn.

 

Cơ chế các loại vắc-xin

Vắc-xin có chức năng là hướng dẫn cơ thể tạo ra kháng thể* chống lại vi-rút SARS-CoV-2. Vi-rút SARS-CoV-2 có dạng hình cầu, ở ngoài bề mặt có protein S dạng hình bông hoa, vi-rút dùng protein này để xâm nhập vào các tế bào trong cơ thể và bắt đầu gây nhiễm. Các vắc-xin được điều chế để đánh vào protein S của vi-rút giúp làm vô hiệu hoá vi-rút.

*Kháng thể là chất được cơ thể tạo ra giúp chống lại vật lạ xâm nhập, cụ thể ở đây là vi-rút Corona.

1

 

Các loại vắc-xin:

Nhìn chung hiện nay có 4 nhóm vắc-xin chính:

(1) Vắc-xin mRNA - hãng Pfizer và Moderna sản xuất, được tạo ra từ các mRNA của vi-rút. Sau khi tiêm vắc-xin mRNA, hệ thống miễn dịch bắt đầu sản sinh ra protein S và đưa lên bề mặt của tế bào. Cơ thể chúng ta bắt đầu tạo ra kháng thể. Do đó, khi chúng ta bị vi-rút tấn công, các kháng thể này biết cách chống trả và tiêu diệt chúng.

(2) Vắc-xin vector virus – hãng AstraZeneca và Johnson & Johnson’s Jassen sản xuất. Những vắc-xin này dùng một con vi-rút khác, ít gây hại hơn, biến nó thành một vi-rút bất hoạt (tức là không thể gây bệnh), để chuyển tải sản phẩm của vi-rút SARS-CoV-2 vào cơ thể chúng ta và tạo ra protein S. Tương tự, cơ thể sẽ nhận ra yếu tố lạ, tạo thành các kháng thể để bảo vệ chúng ta.

(3) Vắc-xin subunit – hãng Novaxax sản xuất. Những vắc-xin này có protein S nhưng không gây hại. Sau khi chích vắc-xin vào cơ thể, hệ thống miễn dịch nhận ra protein S và sẽ tạo ra kháng thể để chống lại vi-rút.

(4) Vắc-xin 'nguyên con virus' – hãng Sinopharm và Sinovac sản xuất. Loại vắc-xin này dùng nguyên con vi-rút nhưng các cơ chế gây bệnh của nó bị vô hiệu hoá. Sau khi chích vắc-xin vào cơ thể thì nó sẽ 'dạy' cho hệ miễn dịch sản xuất kháng thể chống lại vi-rút.

Tóm lại, vắc-xin giống như một buổi tập huấn cho cơ thể trước khi bước vào bài thi thật sự.

2

 

Các phản ứng nào có thể gặp sau tiêm vắc-xin?

Đối với vắc-xin Astra Zeneca, các tác dụng phụ xếp theo thứ tự thường gặp như sau:

  • Rất phổ biến (>= 10%) như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt >= 380C).
  • Phổ biến (từ 1% đến dưới 10%) sưn và đỏ tại vị trí tiêm.
  • Phản ứng hiếm gặp: phản ứng phản vệ, thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu.

Các bạn đừng quá lo lắng về các tác dụng phụ sau tiêm. Trước khi tiêm chủng các bạn sẽ được khám sàng lọc để đánh giá đủ điều kiện tiêm, theo dõi sau khi tiêm 30 phút tại chỗ và khai báo sau tiêm tại nhà, nên có gì lạ các bạn báo ngay sẽ được xử lý kịp thời nhé.

 

Phụ nữ mang thai, cho con bú và có kế hoạch có thai có nên tiêm vắc-xin không?

Hiện nay, việc tiêm ngừa cho phụ nữ mang thai và cho con bú vẫn chưa được thống nhất vì chưa đủ dữ liệu nghiên cứu thực tế, tính đến nay mới chỉ có 1 nghiên cứu được công bố vào ngày 17 tháng 06 năm 2021 trên tạp chí Y học New England (NEJM) báo cáo dữ liệu tiêm chủng vắc-xin Pfizer ở phụ nữ có thai. Kết qủa sơ bộ cho thấy không có sự khác biệt về tác dụng phụ so với nhóm không có thai và kết cục thai kì không khác so với thai phụ không tiêm ngừa.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và một số hiệp hội Sản Phụ khoa trên thế giới khuyến cáo vẫn có thể xem xét tiêm ngừa cho phụ nữ có thai và cho con bú nếu nằm trong nhóm các đối tượng có nguy cơ cao (nhân viên y tế, người làm các dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người dân,...).

Tại Việt Nam, theo “Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19” của Bộ Y tế Việt Nam ban hành ngày 18.06.2021, phụ nữ mang thai và cho con bú nằm trong diện trì hoãn tiêm chủng (áp dụng cho vắc-xin Astra Zeneca, Pfizer, Moderna, Jassen). Chính vì vậy, phụ nữ có thai và cho con bú chưa được tiêm ngừa trong các đợt tiêm ngừa phòng dịch sắp tới đây của thành phố.

 

Tài liệu tham khảo:

Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, Bộ Y tế, 2021.

Shimabukuro, Tom T., et al. "Preliminary findings of mRNA Covid-19 vaccine safety in pregnant persons." New England Journal of Medicine (2021).

COVID-19 Vaccines While Pregnant or Breastfeeding. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/recommendations/pregnancy.html. Updated June 16, 2021.

COVID-19 Vaccination Considerations for Obstetric–Gynecologic Care. https://www.acog.org/clinical/clinical-guidance/practice-advisory/articles/2020/12/covid-19-vaccination-considerations-for-obstetric-gynecologic-care?fbclid=IwAR1B76n6C5EWlaQpbC6SH1lbrxVWkmBPKkblzRpsGERWqQTUrrTXa83mm_g. Updated June 9, 2021.

https://qik.com.vn/