Hiểu về bệnh Sởi

Thứ sáu, 05/10/2018, 13:37 GMT+7

Sởi là 1 bệnh lý theo mùa, thường xảy ra vào mùa xuân. Đây là 1 bệnh lý lành tính. Tuy nhiên tùy theo cơ địa và nếu chăm sóc không đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Hiện nay dịch sởi đang bùng phát và là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ, vì vậy nhận biết và hiểu đúng về sởi sẽ giúp các bậc phụ huynh yên tâm và bớt lo lắng trong việc chăm sóc con trẻ trong mùa dịch.

 

Bệnh sởi là gì?

Sởi là bệnh lý do siêu vi gây ra, khả năng lây nhiễm cao. Đường lây truyền chủ yếu là đường hô hấp như: nước bọt, hắt hơi, sổ mũi hoặc do hít phải mầm bệnh từ môi trường bên ngoài.

Triệu chứng của bệnh xuất hiện tùy giai đoạn:

Thời kỳ ủ bệnh: trung bình khoảng 10 ngày, trẻ có thể sốt nhẹ.

Thời kỳ khởi phát: đây là thời kỳ hay lây nhất, kéo dài từ 3 đến 5 ngày với các biểu hiện:

Sốt nhẹ hoặc sốt cao đến 40 độ C, có thể kèm co giật, trẻ có thể mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chảy nước mắt, đổ ghèn nhiều, kết mạc mắt đỏ, sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù, hắt hơi, sổ mũi, ho đàm, khàn giọng. có thể viêm thanh quản co rút, nếu có triệu chứng đường tiêu hóa sẽ gây tiêu chảy, tiêu đờm máu.

Khám họng có thể thấy dấu “Koplix” là những chấm trắng nhỏ khoảng 1mm mọc trên nền niêm mạc má viêm đỏ, vùng răng hàm.

Thời kỳ toàn phát (còn gọi là thời kỳ phát ban): ban xuất hiện đầu tiên ở mặt, sau đó lan dần đến thân và tay chân. Ban sởi màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết tiêu hóa.

Thời kỳ phục hồi: ban sởi bay theo trình tự xuất hiện để lại vùng da thâm đen trên bề mặt da loang lỗ như da cọp nên được gọi là “vết vằn da hổ”.

 

Biến chứng của bệnh sởi:

Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm thanh quản, viêm kết mạc, tổn thương giác mạc, võng mạc, loét miệng, viêm não, …

 

Chăm sóc trẻ bệnh thế nào cho đúng?

Điều trị tại nhà cho trẻ bệnh nhẹ không biến chứng:

- Đo nhiệt độ hằng ngày. Tắm rửa trẻ mỗi ngày bằng nước ấm.

- Dùng dung dịch Natriclorua 0,9% nhỏ mắt, mũi thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn.

- Uống nhiều nước, dinh dưỡng đầy đủ chất, nhất là bổ sung đầy đủ vitamin A (dùng nhiều thức ăn chế biến từ cà rốt, rau chân vịt,…)

- Nên nằm phòng riêng thoáng mát, tránh gió lùa và ánh sáng mạnh.

Khi nào nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay:

- Sốt cao hoặc vẫn còn sốt dù ban sởi đã lặn.

- Các dấu hiệu biến chứng ở các cơ quan khác như: tiêu máu, ho nhiều, thở mệt, chảy mủ tai, co giật, nôn ói, chảy mủ mắt, loét mắt, …

 

Làm gì để phòng ngừa bệnh sởi?

Dùng tay hoặc khăn che miệng khi ho, hắt hơi.

Rửa tay trước khi ăn và chế biến thức ăn

Chủng ngừa sởi. Đây là biện pháp chủ động để ngừa bệnh sởi. Cần đưa trẻ từ 9 tháng tuổi (nếu đang ở vào mùa dịch thì có thể sớm hơn) đến các trung tâm y tế phường, xã để tiêm phòng vắc xin sởi. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên thì có thể tiêm vắc xin phối hợp Sởi - Quai bị - Rubella ở các cơ sở tiêm dịch vụ.

 

Bệnh viện Mỹ Đức

https://qik.com.vn/